Aliko Dangote, 67 tuổi, đã xây dựng cơ nghiệp của mình từ việc sản xuất xi măng ngay tại Nigeria-quốc gia đông dân nhất châu Phi (220 triệu dân), và xuất khẩu sang nhiều quốc gia châu Phi khác. Ngoài xi măng và nông sản thực phẩm, Tập đoàn Dangote hiện còn tham gia vào thị trường phân bón, ô tô và dầu mỏ.

Năm 2024, nhà máy lọc dầu mang tên Dangote chính thức đi vào hoạt động sau 11 năm xây dựng với tổng số vốn đầu tư 23 tỷ USD. Đây là nhà máy lớn nhất châu Phi và lớn thứ 7 thế giới (sản xuất 650.000 thùng mỗi ngày khi hoạt động hết công suất). Sự thành công của dự án táo bạo này đã giúp tỷ phú Dangote tăng gấp đôi tài sản chỉ trong vài tháng.

Với nhà máy lọc dầu khổng lồ này, tỷ phú Dangote “muốn biến Nigeria trở thành một trong những quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới để có thể cạnh tranh với các nhà máy lọc dầu châu Âu và cung cấp xăng cho người dân Nigeria”, Tạp chí Forbes viết.

Tỷ phú Aliko Dangote sở hữu khối tài sản lên tới 28 tỷ USD. Ảnh: Reuters 

Sinh ra trong gia đình buôn bán ở Kano, miền Bắc Nigeria, năm 20 tuổi, chàng trai trẻ Dangote đã tận dụng tối đa số tiền khoảng 2.500USD mà chú anh cho mượn để lập nghiệp.

Việc Dangote đặt cược vào xi măng, một loại vật liệu hiếm và đắt đỏ ở châu Phi vào cuối thập niên 1970, đã mang lại thành quả. 30 năm sau, vào tháng 7-2007, “ông vua xi măng” đã trở thành tiêu đề trên các báo sau khi một bài báo của Tạp chí Forbes gọi Oprah Winfrey, nữ hoàng của truyền hình Mỹ, là “người da đen giàu nhất thế giới”. Vốn kín đáo, vị doanh nhân trả lời một cách ngắn gọn: “Tôi giàu hơn rất nhiều”.

Năm 2023, tỷ phú Dangote có ý định mua lại câu lạc bộ bóng đá Valenciennes, khi đó đang chơi ở Ligue 2. Sau thời gian dài đàm phán để mua lại câu lạc bộ Pháp này, tỷ phú Dangote tự nhận mình là người hâm mộ Arsenal nên cuối cùng đã từ bỏ dự án. Với tình hình bất ổn của bóng đá Pháp hiện nay, ông Dangote chắc chắn hài lòng về lựa chọn trước đây của mình.

NGỌC MINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.