Thanh toán hóa đơn, đổ rác, giành căn phòng tốt nhất... Biết bao tình huống khó xử từng được giải quyết bằng trò oẳn tù tì. Trò chơi bằng tay này bao gồm việc chọn một biểu tượng với hy vọng đánh bại đối thủ. “Đá làm gãy kéo, lá che đá, kéo cắt lá”. Một cuộc đấu tay đôi trong nhiều thế kỷ, bắt nguồn từ châu Á.

Theo trang mạng Slate.fr, trò chơi oẳn tù tì xuất hiện lần đầu ở Trung Quốc cách đây hơn 2.000 năm. Người ta đã tìm thấy dấu vết của trò chơi này từ thời nhà Minh (1368-1644), dưới cái tên “shoushiling” (nghĩa là "trò chơi các dấu hiệu tay" hoặc "trò chơi ba dấu hiệu"). Theo tác giả Xie Zhaozhi, các lãnh chúa thời nhà Hán (năm 206 trước Công nguyên - 220 sau Công nguyên) đã say mê trò giải trí này mà kẻ thua phải uống rượu.

Sau khi du nhập vào Nhật Bản, oẳn tù tì trở thành trò chơi phổ biến cho đến tận ngày nay. Các bản khắc ở Nhật Bản có niên đại từ thế kỷ XVII chỉ ra rằng, những người đang trò chơi “sên-rắn-ếch” chính là “tổ tiên” của trò oẳn tù tì ngày nay.

Phiên bản này được phổ biến nhanh chóng và mang hình thức hiện đại: jan-ken-pon (hay đơn giản là janken trong tiếng Nhật). Ban đầu, oẳn tù tì được áp dụng trong các quán rượu hoặc nhà thổ như một trò chơi uống rượu hoặc chơi cờ bạc. Sau này, oẳn tù tì còn được sử dụng để đưa ra các quyết định về kinh tế hoặc quan trọng hơn là quyết định chính trị, chứ không đơn giản là trò chơi của trẻ em!

 Trẻ em thích thú với trò chơi oẳn tù tì. Ảnh: planet.fr

Ở Pháp, trò chơi oẳn tù tì còn được gọi là chifoumi. Tại Mỹ, trò chơi oẳn tù tì còn được gọi là roshambo, một cách ám chỉ đến Bá tước De Rochambeau, người anh hùng nước Pháp trong Chiến tranh giành độc lập (1775-1783). Bá tước De Rochambeau đã đặt tên mình cho trò chơi cá cược và được cho là đã thắng trước các Tướng George Washington và Lord Charles Cornwallis trong trận chiến Yorktown vào năm 1781. Tuy nhiên, theo slate.fr, hiện không có bằng chứng lịch sử nào chứng minh cho sự ám chỉ trên.

Trò chơi oẳn tù tì lần đầu tiên được đề cập trong văn bản vào năm 1920 khi nói về tập tục truyền thống này ở châu Á. Năm 1927, tạp chí Công giáo Pháp “La Vie” đề cập đến oẳn tù tì là một "trò chơi của Nhật Bản". Năm 1932, tờ Thời báo New York đăng bài mô tả luật chơi oẳn tù tì. Trong cuốn sách Handbook for Recreation Leaders xuất bản năm 1936 cũng đề cập đến trò chơi roshambo.

Oẳn tù tì là “vũ khí” trước khi đưa ra quyết định đặt cược hay trong một tình huống khó xử . Ảnh: Slate.fr

Sự phổ biến của trò chơi oẳn tù tì trên toàn thế giới được giải thích bằng sự đơn giản và ngôn ngữ phổ quát của nó. "Không giống như các môn thể thao khác, điều kỳ diệu của trò chơi oẳn tù tì là không quan trọng bạn bao nhiêu tuổi, nam hay nữ, trẻ hay già, hoặc thậm chí bạn chỉ có một tay. Tất cả đều có thể được đánh giá trên cơ sở bình đẳng”, Brad Fox, trọng tài Giải vô địch quốc gia Mexico trò chơi oẳn tù tì năm 2009, giải thích trong một bài báo trên tờ Le Monde (Pháp).

Trò chơi vẫn được áp dụng trên khắp thế giới với nhiều tên gọi khác nhau. Tại Hàn Quốc, oẳn tù tì được gọi là gawi-bawi-bo. Trong khi đó, trò chơi này có tên gọi bato-bato-pick ở Philippines, kő - papír-olló ở Hungary hay thậm chí “búa-kéo-giấy” ở Thụy Sĩ... Ở dưới bất kỳ tên gọi nào, trò chơi đều tuân theo một quy tắc chung. Ví dụ, ở Indonesia, con voi, con người và con kiến đối mặt với nhau trong một trận chiến sinh tử. Theo phong tục địa phương, côn trùng chui vào tai voi để cắn và khiến nó phát điên…

Trò chơi oẳn tù tì đã vượt qua nhiều thế kỷ và châu lục để đến ngày nay có một vị trí nhất định trong đời sống của người dân các nước, đồng thời được xem là “vũ khí” khi đưa ra quyết định đặt cược hay trong một tình huống khó xử. Năm 2005, do không thể quyết định để nhà đấu giá Christie's hay Sotheby's đấu giá bộ sưu tập tác phẩm nghệ thuật của mình, ông chủ một công ty lớn của Nhật Bản đã quyết định chơi trò oẳn tù tì (đá-lá-kéo). Cuối cùng, “chiếc kéo” của Christie's đã đánh bại “chiếc lá” của Sotheby's, giành quyền đấu giá bộ sưu tập gồm tranh của Picasso, Cézanne và Van Gogh trị giá 20 triệu USD.

TÙNG LÂM

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.