Trước tiên phải kể tới tình thế bế tắc trong đàm phán giữa Nga và Ukraine. Theo Reuters, ngày 27-5, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng ban lãnh đạo Ukraine liên tục đưa ra những tuyên bố trái ngược nhau, khiến phía Nga không hiểu hết những gì phía Ukraine muốn. Nga cho rằng cuộc đàm phán hòa bình giữa hai nước bị đóng băng là do lỗi của Ukraine.

Về phía Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky trước đó cho biết, ông đã nhiều lần muốn có cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin nhằm thảo luận chấm dứt chiến tranh, nhưng dường như Nga vẫn chưa sẵn sàng cho các cuộc đàm phán hòa bình nghiêm túc.

 Cuộc xung đột ở Ukraine đe dọa an ninh lương thực toàn cầu (ảnh minh họa). Ảnh: Bloomberg

Ukraine cũng cáo buộc Nga khiến các cuộc đàm phán rơi vào bế tắc do lập trường cứng nhắc. Tuy nhiên, trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky tuyên bố, Nga sẵn sàng nối lại tiến trình đàm phán, song cần có được sự nhất trí từ phía Kiev. Việc nối lại hòa đàm hiện phụ thuộc vào quyết định của phía Ukraine và “Nga chưa bao giờ khước từ những cuộc đàm phán”. 

Trong bối cảnh đó, các nước phương Tây cũng đang chật vật để thúc đẩy hòa bình ở Ukraine. Theo The Economist, 3 tháng sau cuộc xung đột, các nước phương Tây vẫn đang xác định quan điểm về cách thức khép lại cuộc xung đột này. 

Các đồng minh phương Tây đang xuất hiện sự chia rẽ giữa một bên muốn thông qua đàm phán với một bên là muốn trừng phạt Nga. Phe ủng hộ đàm phán đang tích cực thúc đẩy những nỗ lực của mình, trong đó Đức đã kêu gọi ngừng bắn, còn Italy đưa ra một kế hoạch gồm 4 điểm để dàn xếp chính trị. 

Theo kế hoạch đề xuất của Italy, giai đoạn đầu tiên sẽ là ngừng bắn có giám sát và “phi quân sự hóa” ở tiền tuyến. Tuy vậy mấu chốt vấn đề vẫn là cả Nga và Ukraine đều không mấy quan tâm tới những đề xuất này.

Ngoài ra, các nước phương Tây cũng đang tiếp tục chia rẽ trong vấn đề trang bị vũ khí cho Kiev và việc thông qua được gói các biện pháp trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga. Đức đã cho thấy nước này không sẵn sàng cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine thông qua các nước láng giềng, chủ yếu là Ba Lan và Cộng hòa Séc.

Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss khẳng định cần bảo đảm việc cung cấp vũ khí hạng nặng vẫn tiếp tục đến Ukraine. Bà cảnh báo phương Tây không nên thoái lui và nhượng bộ, tái khẳng định tính cấp thiết của việc viện trợ vũ khí cho Kiev.

Về các biện pháp trừng phạt Nga, hiện Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang tìm cách để thông qua gói các biện pháp trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, trong đó bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga. Quốc gia thành viên EU Hungary vẫn phản đối quyết liệt ý tưởng này với lý do nền kinh tế của nước này sẽ bị ảnh hưởng quá nhiều. 

Giới phân tích cho rằng, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đang rất cần sự nhượng bộ của tất cả các bên nhằm mở ra triển vọng đàm phán và chấm dứt xung đột. Hiện cuộc xung đột này đang gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế thế giới, nghiêm trọng nhất là cuộc khủng hoảng về lương thực vì cả hai nước đều là quốc gia xuất khẩu lương thực và năng lượng lớn.

Những hệ lụy này đang khiến một số quốc gia mất kiên nhẫn và Mỹ đã đổ lỗi cho Nga về cuộc khủng hoảng lương thực. Phản ứng trước động thái này, Đại sứ Nga tại Mỹ Antoly Antonov ngày 27-5 khẳng định cuộc khủng hoảng lương thực, vốn xuất hiện trong vài năm qua, đã trở nên tồi tệ hơn do các lệnh trừng phạt của Mỹ và các vệ tinh của họ nhằm vào Nga.

Nhà ngoại giao Nga kêu gọi “ngừng đổ lỗi cho Nga”. “Nga cam kết thực hiện các nghĩa vụ xuất khẩu của mình và sẵn sàng cho các cuộc đàm phán giải quyết vấn đề nghiêm trọng nhất này, kể cả thông qua Liên hợp quốc”, ông Antonov nhấn mạnh. 

Trong cuộc điện đàm trước đó với Thủ tướng Italy, Tổng thống Putin cũng bày tỏ Nga sẵn sàng đóng góp nhằm giải quyết khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay, nếu phương Tây đồng ý gỡ bỏ lệnh trừng phạt. Theo Thủ tướng Áo Karl Nehammer, trong điện đàm ngày 27-5 giữa ông với Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Putin đã bày tỏ sẵn sàng trên nguyên tắc cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine qua các cảng biển.

Ông Putin cam kết sẽ không có hành động khác tại các cảng biển này và hoàn toàn hiểu rõ về những nguy cơ tiềm ẩn từ cuộc khủng hoảng an ninh lương thực hiện nay.

XUÂN PHONG