Từng là tâm dịch của toàn cầu một thời, hiện châu Âu dần quay về trạng thái như thời điểm trước khi đại dịch bùng phát nhờ vào tỷ lệ tiêm phòng cao và biến thể mới Omicron gây ra những triệu chứng nhẹ hơn các biến thể trước đó. Reuters đưa tin, Đức là một trong những quốc gia mới nhất ở “lục địa già” dỡ bỏ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 đã làm gián đoạn cuộc sống của người dân trong hai năm qua. Thủ tướng Đức Olaf Scholz vừa thông báo lộ trình 3 bước, trong đó hầu hết các hạn chế ở nước này sẽ được thu hồi trước ngày 20-3. Thời gian qua, Đức là nước áp đặt các hạn chế phòng dịch nghiêm ngặt hàng đầu châu Âu và cũng là nước chậm hơn nhiều quốc gia khác trong việc nới lỏng những hạn chế đó. “Giờ đây, chúng tôi có thể dỡ bỏ dần các hạn chế, nhưng vẫn tiếp tục thận trọng”, ông Scholz viết trên trang Twitter cá nhân.
 |
Cảnh sát kiểm tra giấy chứng nhận tiêm chủng của thực khách tại một nhà hàng ở thành phố Hannover, Đức.Ảnh: DPA |
Trước Đức, vào đầu tháng này, Đan Mạch là nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên dỡ bỏ mọi hạn chế và chỉ duy trì số ít biện pháp tại khu vực cửa khẩu biên giới, với những người chưa tiêm phòng đến từ các quốc gia không thuộc khối đi lại tự do Schengen. Thụy Sĩ và Bồ Đào Nha cũng loại bỏ gần như tất cả hạn chế liên quan đến đại dịch bắt đầu từ ngày 17-2, bao gồm khuyến nghị làm việc tại nhà hay yêu cầu xuất trình giấy tiêm chủng ở nơi công cộng. Tại Pháp, ngày 16-2, các câu lạc bộ đêm đã được mở cửa trở lại lần đầu tiên trong vòng 3 tháng, đồng thời tất cả quy định về đeo khẩu trang sẽ được dỡ bỏ và quy định về thẻ thông hành sẽ được nới lỏng từ giữa tháng sau. Hà Lan đã bắt đầu trở lại tình trạng gần như bình thường từ ngày 18-2, trong khi người chưa tiêm phòng ở Áo có thể sử dụng dịch vụ tại nhà hàng và đến các cửa hàng không thiết yếu từ ngày 19-2 nếu xét nghiệm âm tính.
Trong khi đó, ngày 17-2, Nhật Bản thông báo nới lỏng các biện pháp kiểm soát biên giới nhằm chống lại sự lây lan của virus SARS-CoV-2, bao gồm việc nâng số người được phép nhập cảnh vào Nhật Bản lên 5.000 người mỗi ngày từ 3.500 người hiện tại. Xu hướng mở cửa trở lại cũng được nhiều quốc gia ở khu vực này triển khai. Cơ quan liên bộ đặc trách về Covid-19 của Singapore cho biết, nước này sẽ tiếp tục đơn giản hóa các biện pháp kiểm soát biên giới đối với những người đã tiêm đủ vaccine và mở rộng thêm các tuyến đi lại đã tiêm chủng với nhiều quốc gia hơn khi tình hình cho phép. Về phần mình, Thái Lan đã khởi động lại chương trình du lịch không cách ly sau 5 tuần tạm dừng do biến thể Omicron lây lan, còn Malaysia cam kết mở cửa biên giới cho tất cả công dân nước ngoài vào tháng 3.
 |
Nhiều nước châu Âu bắt đầu dỡ bỏ hầu hết các hạn chế phòng dịch.Ảnh: Reuters. |
Australia và New Zealand, hai quốc gia nổi tiếng với những chính sách kiểm soát biên giới nghiêm ngặt để phòng dịch, cũng công bố kế hoạch mở cửa trở lại, mặc dù có phần dè dặt hơn so với nhiều nơi khác. Theo đó, Australia sẽ đón du khách nước ngoài tiêm ít nhất hai liều vaccine từ ngày 21-2, trong khi Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đặt mục tiêu đến tháng 10 tới đây sẽ cho phép tất cả du khách nước ngoài nhập cảnh.
Tương tự, Canada vừa công bố một số điều chỉnh đối với quy định đi lại trong nước và quốc tế. Cụ thể, từ ngày 28-2, những người đã tiêm phòng đầy đủ sẽ không bị bắt buộc xét nghiệm RT-PCR trước khi đến quốc gia Bắc Mỹ này, trong khi chính quyền Ottawa cũng chỉ khuyến cáo người dân nước này thận trọng đối với các chuyến đi cho những mục đích không thiết yếu. Ecuador và Peru cũng thống nhất mở cửa trở lại các cửa khẩu biên giới đường bộ giữa hai nước kể từ ngày 18-2 sau gần 2 năm bị đóng hoàn toàn. Trước đó, Cộng hòa Dominica đã quyết định dỡ bỏ toàn bộ hạn chế, dẫu rằng vẫn chưa đạt mục tiêu bao phủ tiêm chủng cho 70% người trưởng thành.
VĂN HIẾU