Là cư dân của Ambedkar Nagar, một khu định cư thu nhập thấp nằm dưới bóng trụ sở xa hoa của nhiều công ty phần mềm toàn cầu ở khu Whitefield của Bengaluru, cô Muthuvel phụ thuộc vào nguồn nước lấy từ mạch nước ngầm. Tuy nhiên, nguồn nước này đang cạn dần. Muthuvel cho biết, đây là cuộc khủng hoảng nước tồi tệ nhất mà cô từng trải qua trong 40 năm sống ở khu vực này.

Bengaluru trải qua tháng 2 và tháng 3 nóng bất thường. Trong vài năm gần đây, thành phố này có lượng mưa rất ít do biến đổi khí hậu. Nước ngầm, nguồn sống của hơn 1/3 trong số 13 triệu cư dân của Bengaluru, đang cạn kiệt nhanh chóng. Chính quyền thành phố Bengaluru cho biết, 6.900 trong số 13.900 giếng khoan trong thành phố đã cạn nước. Những người phụ thuộc vào nguồn nước ngầm như cô Muthuvel giờ đây phải mua nước từ các xe bồn chở nước tư nhân.

Chính quyền Bengaluru đang cố gắng kiểm soát tình hình bằng các biện pháp khẩn cấp như quốc hữu hóa các xe bồn chở nước và đặt giới hạn chi phí nước. Các chuyên gia về nước và nhiều người dân lo ngại rằng điều tồi tệ nhất vẫn sẽ đến vào tháng 4 và tháng 5 khi nhiệt độ tăng cao.

leftcenterrightdel

Cư dân khu Ambedkar Nagar lấy nước từ xe bồn chở nước tư nhân ở Bengaluru, Ấn Độ. Ảnh: AP 

Ông Shashank Palur, một nhà thủy văn học thuộc Phòng thí nghiệm nước, môi trường, đất đai và sinh kế có trụ sở tại Bengaluru, cho biết cuộc khủng hoảng nước đã xảy ra từ lâu. Ông nhận định: “Bengaluru là một trong những thành phố phát triển nhanh nhất thế giới và cơ sở hạ tầng cung cấp nước không thể theo kịp với tốc độ tăng dân số”. Ông Palur cho hay, hiện tượng thời tiết El Nino cùng với việc thành phố nhận được lượng mưa ít hơn trong những năm gần đây khiến việc bổ sung mực nước ngầm không diễn ra như mong đợi. Bên cạnh đó, một đường ống cung cấp nước mới từ sông Kaveri cách thành phố khoảng 100km chưa được hoàn thành.

Trong khi đó, nhà nghiên cứu T.V.Ramachandra tại Trung tâm Khoa học sinh thái thuộc Viện Khoa học Ấn Độ có trụ sở tại Bengaluru cho biết, một mối lo ngại khác là bề mặt lát đá đã bao phủ gần 90% diện tích thành phố. Điều này ngăn nước mưa thấm xuống và tích tụ trong lòng đất. Theo ông Ramachandra, chính quyền Bengaluru nên tập trung vào việc bổ sung hơn 200 hồ trên khắp thành phố, dừng xây dựng trên các khu vực hồ, khuyến khích thu gom nước mưa và tăng độ che phủ xanh trên toàn thành phố. Ông Ramachandra nhấn mạnh: “Chỉ khi làm được điều này thì chúng ta mới giải quyết được vấn đề thiếu nước của thành phố”.

THU NGA

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.