Sự thăng tiến nhanh chóng của Guo đến từ việc cô nắm giữ 5% cổ phần tại Scale AI, công ty công nghệ gần đây đã đạt mức định giá 25 tỷ USD, tương đương giá trị tài sản ròng là 1,25 tỷ USD.
Cô cũng trở thành biểu tượng của một kiểu nhà sáng lập công nghệ mới - không theo khuôn mẫu, không bị lọc và không hề hối hận về tham vọng. Cho dù cô ấy có huy động được 8 triệu USD trong 48 giờ mà không cần quảng cáo hay mở rộng ranh giới về cách người hâm mộ tương tác với người sáng tạo, Lucy Guo vẫn đang tự mình định hình tương lai.
 |
Lucy Guo là tỷ phú tự thân trẻ nhất thế giới năm 2025, theo bảng xếp hạng của Forbes. Ảnh: businesstoday.in
|
Sinh ra để kinh doanh
Theo trang mạng entrepreneur.com, ngọn lửa kinh doanh của Guo bùng cháy từ rất sớm. Sinh năm 1994 và lớn lên tại Fremont, California (Mỹ) cùng với cha mẹ là người nhập cư gốc Hoa và đều là kỹ sư điện, Guo bắt đầu chế tạo đồ vật không phải vì nhu cầu thiết yếu mà vì tò mò và có thể là một chút thách thức. Khi còn nhỏ, cô đã thử sức với nhiều nghề khác nhau, từ bán thẻ Pokémon đến xây dựng các trang web phát trực tuyến giả mạo với quảng cáo được chèn khéo léo ở trên. Guo cũng không chờ đợi thế giới này cho cô một cơ hội mà tự tìm kiếm.
Ngay từ khi học lớp 2, cô bé Guo đã tìm ra cách kiếm tiền trực tuyến bằng PayPal và các trò chơi trên trình duyệt như Neopets và RuneScape. Đến khi học trung học, Guo đã tự học cách lập trình. Internet là sân chơi và cũng là nơi rèn luyện của cô.
Sau khi tốt nghiệp THPT, Guo đã đăng ký học tại Đại học Carnegie Mellon chuyên ngành khoa học máy tính và tương tác giữa người và máy tính. Nhưng nền giáo dục truyền thống không thực sự thu hút được sự chú ý của cô. Cô đã bỏ học sau khi được chấp nhận vào Thiel Fellowship - một chương trình có tính cạnh tranh cao, trao giải thưởng 10.000 USD cho những người trẻ tuổi xây dựng thứ gì đó mới mẻ thay vì ngồi trong lớp học.
Không lâu sau đó, cô đã được thực tập tại Facebook và Snapchat, và cuối cùng gia nhập Quora, nơi cô gặp Alexandr Wang-người sau này cũng trở thành tỷ phú công nghệ. Hai người tiếp tục trở thành đồng sáng lập công ty Scale về trí tuệ nhân tạo (AI) vào năm 2016. Ý tưởng ban đầu đơn giản là một API (là cơ chế cho phép 2 thành phần phần mềm giao tiếp với nhau bằng một tập hợp các định nghĩa và giao thức) dành cho các tác vụ của con người, nhưng đã nhanh chóng trở thành một công ty làm thay đổi bộ mặt của đào tạo AI. Vai trò của Scale trong việc dán nhãn dữ liệu cho các mô hình học máy khiến nó trở nên không thể thiếu trong sự bùng nổ của AI, đặc biệt là trong các lĩnh vực như lái xe tự động.
Mặc dù Guo đã rời Scale vào năm 2018 do bất đồng tầm nhìn với người đồng sáng lập, cô vẫn giữ lại gần 5% cổ phần trong công ty. Quyết định duy nhất đó sẽ giúp cô tăng thêm hơn một tỷ USD trên giấy tờ khi định giá của Scale tăng vọt lên 25 tỷ USD vào năm 2025.
Đặt cược vào nền kinh tế sáng tạo
Sau khi rời khỏi Scale, Guo vẫn không hề chậm lại. Cô đã thành lập Backend Capital, một công ty đầu tư mạo hiểm tập trung vào các công ty khởi nghiệp giai đoạn đầu và đặt một trong những khoản cược lớn đầu tiên vào công ty công nghệ tài chính Ramp. Nhưng cô vẫn chưa dừng việc xây dựng bản thân mình.
Năm 2022, cô đã ra mắt Passes - một nền tảng được thiết kế để giúp những người sáng tạo kiếm tiền từ mối quan hệ của họ với người hâm mộ. Không giống như các nền tảng nội dung truyền thống, Passes tập trung vào khả năng tương tác có thể mở rộng, được cá nhân hóa và kiếm tiền trực tiếp từ người hâm mộ. Nền tảng này kết hợp các yếu tố của Patreon, OnlyFans và Twitch, với các tính năng từ tin nhắn trực tiếp và phát trực tiếp đến các cuộc gọi video một kèm một.
Điểm khiến Passes trở nên khác biệt chính là khả năng AI của nó. Nền tảng này đang phát triển các avatar AI mô phỏng những người sáng tạo thực sự, cho phép người hâm mộ tương tác với phiên bản kỹ thuật số của những nhân vật mà họ yêu thích. Mặc dù các hình đại diện được dán nhãn rõ ràng là AI, nhưng chúng lại tỏ ra rất được người hâm mộ ưa chuộng và tiết kiệm chi phí cho người sáng tạo.
Passes hiện đang hợp tác với một nhóm người sáng tạo được tuyển chọn, những người cùng nhau tạo ra doanh thu hàng triệu USD. Công ty đã huy động được hơn 66 triệu USD tiền tài trợ, bao gồm 40 triệu USD từ vòng Series A năm 2024. Guo coi đây chỉ là sự khởi đầu cho việc định nghĩa lại ý nghĩa của việc trở thành người sáng tạo nội dung và một doanh nhân.
Guo là người ủng hộ mạnh mẽ quyền sở hữu của người sáng tạo. Cô tin rằng, các nền tảng truyền thống nắm giữ quá nhiều quyền lực đối với dữ liệu người dùng và mối quan hệ với người hâm mộ. Tầm nhìn của cô dành cho Passes hướng đến Web3, nơi người sáng tạo có thể sở hữu lượng khán giả, dữ liệu và con đường kiếm tiền của riêng mình.
Guo cũng lạc quan về tương lai của AI - không chỉ là một công cụ tự động hóa mà còn là cách cải thiện mọi thứ, từ giáo dục đến chăm sóc sức khỏe. Mặc dù thừa nhận những rủi ro do sự phát triển AI không được kiểm soát gây ra, nữ tỷ phú tin rằng giải pháp nằm ở quy định thận trọng và sử dụng có trách nhiệm, chứ không phải là làm chậm quá trình đổi mới.
Giàu nhưng không hoang phí
Lớn lên trong một gia đình cần cù, tiết kiệm đã dạy cho Guo giá trị của cuộc sống cần kiệm, thanh đạm. Lucy Guo cho biết, trước khi kiếm được 10 triệu USD đầu tiên, cô đã cố gắng sống tiết kiệm nhất có thể. “Khi mọi người kiếm được nhiều tiền hơn, họ có xu hướng tăng chi phí sinh hoạt, cuối cùng là giảm số tiền tích cóp”, nữ doanh nhân chia sẻ. Do vậy, Guo khuyên mọi người nên tiết kiệm nhiều hơn số tiền chi tiêu, đầu tư số tiền đó để tận dụng lãi suất kép lâu dài.
Mục đích mua sắm của Lucy Guo cũng rất rõ ràng. Cô luôn coi ngôi nhà của mình là một khoản đầu tư dài hạn. Theo quan điểm của Guo, dù có tiền hay không thì cũng không nên tiêu tiền vào những món hàng xa xỉ; mua cổ phiếu, bất động sản, trái phiếu hoặc các tài sản tài chính khác để đầu tư sẽ tốt hơn là tiêu tiền vào ô tô cao cấp hay những thứ đắt tiền sẽ chỉ mất giá khi thời gian trôi qua.
HOÀNG ĐĂNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.