Tại thành phố Khan Younis, sau khi lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas có hiệu lực vào tháng 1 năm nay, người lái máy ủi Alaa Abu Jmeiza đang dọn dẹp một con phố gần nơi cậu bé Saeed Abdel Ghafour, 15 tuổi, đang chơi. Lưỡi máy ủi đã đụng phải một quả bom. “Cháu bị nhấn chìm trong sức nóng của ngọn lửa”, cậu bé Ghafour nói với hãng tin Reuters. Ghafour cho biết mình đã mất thị lực ở một bên mắt. Trong khi đó, ông Jmeiza cũng mất thị lực ở một bên mắt, bị thương và bỏng ở tay, chân.

Trong những đống đổ nát tại Gaza có thể có những quả đạn chưa nổ còn sót lại. Ảnh: TTXVN 

Trong số các nạn nhân của bom chưa nổ có Ahmed Azzam, 15 tuổi. Cậu bé bị mất chân do một quả bom còn sót lại trong đống đổ nát khi em trở về nhà ở thành phố Rafah, phía Nam dải Gaza sau nhiều tháng phải di dời. Chia sẻ với hãng tin AFP, Azzam buồn bã kể lại: “Cháu và gia đình đang kiểm tra những gì còn sót lại trong ngôi nhà của mình và có một vật thể đáng ngờ trong đống đổ nát. Cháu không biết đó là bom chưa nổ, nhưng đột nhiên nó phát nổ và gây ra những vết thương nghiêm trọng ở cả hai chân cháu, khiến một chân phải cắt cụt”. Azzam là một trong số hàng trăm nghìn người Palestine trở về nhà trong thời gian ngừng bắn vào tháng 1 vốn mang lại sự bình yên ngắn ngủi cho dải Gaza sau nhiều tháng xung đột.

Người dân ở dải Gaza đã trải qua nhiều đau thương và mất mát kể từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra hồi đầu tháng 10-2023. Sau khi lệnh ngừng bắn với Hamas vào tháng 1-2025 bị phá vỡ, Quân đội Israel đã tiếp tục các cuộc tấn công dữ dội vào vùng đất này. Cơ quan Hành động bom mìn Liên hợp quốc (UNMAS) ước tính rằng, cứ 10 đến 20 quả bom được bắn vào dải Gaza thì có một quả không phát nổ. Theo báo cáo hồi tháng 9-2024, UNMAS ước tính có khoảng 7.500 tấn bom mìn chưa phát nổ đang nằm rải rác trên khắp dải Gaza và cần khoảng 14 năm để có thể loại bỏ hết số bom mìn này. Kể từ khi cuộc xung đột Israel-Hamas bắt đầu cho đến nay, ít nhất 23 người đã thiệt mạng và 162 người bị thương do bom mìn bị vứt bỏ hoặc chưa nổ theo dữ liệu do diễn đàn các cơ quan Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ hoạt động tại dải Gaza ước tính. Tuy nhiên, các nhân viên cứu trợ cho rằng đây chỉ là một phần nhỏ trong tổng số người bị ảnh hưởng vì bom chưa nổ, vì rất ít người biết cách báo cáo những gì đã xảy ra với họ hoặc người thân của mình.

Mặc dù không ai an toàn trước mối đe dọa từ bom chưa nổ, nhưng trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị tổn thương. Chuyên gia rà phá bom mìn Nicholas Orr, người đã đến dải Gaza theo đoàn công tác của tổ chức từ thiện Humanity & Inclusion, cho biết, hầu hết trẻ em bị thương vong là trẻ em không được đến trường, tuyệt vọng vì không có việc gì để làm, đôi khi lục tung đống đổ nát của những tòa nhà bị đánh bom vì thiếu đồ chơi. Ông Orr cho biết: “Chúng buồn chán, chúng chạy loanh quanh, chúng tìm thấy thứ gì đó gây tò mò, chúng chơi với nó và thế là vụ nổ xảy ra”. Một kịch bản phổ biến khác liên quan đến những người trở về sau thời gian di dời. Đơn cử như một người trở về nhà rồi nhận ra có bom chưa nổ ở trong vườn và cố gắng di chuyển nó, khiến quả bom phát nổ.

Hamas cho biết họ đã thu thập một số bom mìn chưa nổ để sử dụng chống lại Israel nhưng cũng sẵn sàng hợp tác với các tổ chức quốc tế để loại bỏ chúng. Tuy nhiên, các nỗ lực quốc tế nhằm giúp rà phá bom mìn trong bất kỳ thời gian tạm lắng nào của cuộc giao tranh đã bị cản trở bởi Israel. Theo một tài liệu do hai tổ chức rà phá bom mìn nhân đạo cung cấp cho Reuters, từ tháng 3 đến tháng 7-2024, Israel đã từ chối các yêu cầu vận chuyển hơn 20 loại thiết bị rà phá bom mìn. Người phát ngôn Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) Jeremy Laurence nhận định, điều này đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với những người làm công tác nhân đạo ở dải Gaza.

Những quả bom chưa nổ hiện nằm rải rác trong số hơn 50 triệu tấn đổ nát khắp dải Gaza. Mối lo về việc những quả bom này có khả năng phát nổ bất cứ lúc nào càng làm gieo rắc nỗi sợ hãi, thấp thỏm hằng ngày cho người dân dải Gaza trong bối cảnh cuộc sống của họ gặp vô vàn khó khăn vì thiếu thốn lương thực và dịch vụ y tế.

LÂM ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.