Từ đầu năm nay, các nước thành viên EU phải có quy trình tái chế rác thải dệt may riêng, bên cạnh các quy trình hiện có đối với rác thải thủy tinh, giấy và thực phẩm. Mục đích là thúc đẩy quản lý chất thải tuần hoàn, trong đó hàng dệt may được phân loại và tái sử dụng hoặc tái chế nếu chúng không bị hư hỏng quá nhiều. Sau khi rác thải dệt may được phân loại, khoảng 60-70% được chỉ định để tái sử dụng và 20-30% để tái chế làm vật liệu đệm, vật liệu cách nhiệt hoặc vật liệu tổng hợp. Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Thụy Điển, khoảng 7-10% được đốt để tạo năng lượng.

Quần áo cũ được phân loại tại một trung tâm tái chế ở Thụy Điển. Ảnh: phys.org 

Bà Karin Sundin, chuyên gia về rác thải dệt may tại công ty quản lý chất thải và tái chế Stockholm Vatten och Avfall của thành phố Stockholm, cho biết: “Chúng tôi đã chứng kiến lượng rác thải dệt may được thu gom tăng 60% vào tháng 1 và tháng 2 năm nay so với cùng kỳ năm ngoái”. Do Thụy Điển thiếu cơ sở hạ tầng nên quần áo đã qua sử dụng phần lớn được xuất khẩu ra nước ngoài, chủ yếu là sang Litva, nơi chúng được phân loại, tái sử dụng hoặc đốt để lấy năng lượng. “Chúng tôi không có các nhà máy lớn có thể phân loại mọi thứ như ở Đông Âu”, bà Sundin giải thích.

Trên thực tế, hoạt động của ngành dệt may có tác động đáng kể đến môi trường. Theo bà Yvonne Augustsson, cố vấn tại Cơ quan Bảo vệ môi trường Thụy Điển, để sản xuất một chiếc áo phông nặng 135g, cần 2.500 lít nước và 1kg hóa chất. Điều đó có nghĩa là lượng khí thải nhà kính khoảng 2-5kg. “Ở Thụy Điển, một mặt hàng quần áo được sử dụng trung bình 30 lần. Nếu người dùng tăng gấp đôi con số này lên 60 lần thì sẽ giảm tác động đến khí hậu”, bà Augustsson cho biết.

Trước tình trạng rác thải dệt may ngày càng nhiều, bà Beatrice Rindevall, người đứng đầu Hiệp hội Bảo tồn thiên nhiên Thụy Điển, cho rằng người tiêu dùng cần thay đổi tư duy mua sắm của mình. Theo bà Rindevall, mỗi người không nên mua quá nhiều quần áo mới mỗi năm. Trong khi đó, các “gã khổng lồ” thời trang cũng cần chịu trách nhiệm về việc kết thúc vòng đời của các sản phẩm mà họ bán. Theo một thỏa thuận sơ bộ mà các quốc gia thành viên EU đạt được vào tháng 2, các hãng thời trang phải trả tiền cho việc thu gom, phân loại, tái sử dụng và tái chế sản phẩm của họ. Thương hiệu Thụy Điển H&M nói với AFP rằng họ hoan nghênh những động thái theo hướng này.

DƯƠNG NGUYỄN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.