Việc Trung Quốc và Brazil mới đây đạt thỏa thuận sử dụng đồng tiền của mỗi nước để giao dịch thay vì đồng USD, đã góp phần khẳng định xu hướng “phi USD hóa” đang ngày càng định hình rõ trên thế giới. Theo Asia Times, thỏa thuận này sau đó đã nhanh chóng đạt được điều khoản tương tự với 25 quốc gia và khu vực trên thế giới. 

Có thể nói rằng, hiện nay, Nga và Trung Quốc là hai quốc gia đi đầu trong nỗ lực “phi USD hóa”. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giành lấy vai trò ảnh hưởng trên thế giới giữa các siêu cường thế giới diễn ra ngày càng quyết liệt, việc Moscow và Bắc Kinh phất ngọn cờ tiên phong không có gì ngạc nhiên. Cùng gánh chịu những hậu quả của việc Washington “vũ khí hóa” đồng USD”, Nga và Trung Quốc đang “bắt tay nhau” để “hất cẳng” đồng USD ra khỏi giao dịch thương mại cũng như hoạt động tài chính không chỉ giữa hai nước mà trên phạm vi toàn cầu. 

leftcenterrightdel

 Đồng USD và đồng nhân dân tệ (ảnh minh họa). Ảnh: Reuters

Hiện nay, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) mà Nga và Trung Quốc là thành viên, đang thúc đẩy việc cho ra đời một loại tiền dự trữ riêng của 5 nước thành viên, có thể dựa trên vàng và các hàng hóa khác, nhưng không phải đồng USD. Dự án này được gọi là R5, cho phép các nước dần tiến hành hoạt động thương mại song phương mà không cần sử dụng đồng USD và cũng làm giảm tỷ lệ dự trữ USD quốc tế. Không chỉ Trung Quốc và Nga, Ấn Độ, Argentina, Brazil, Nam Phi và nhiều khu vực như Trung Đông, Đông Nam Á những tháng qua cũng đang thúc đẩy các thỏa thuận nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. 

Theo giới chuyên gia về các lệnh trừng phạt và cấm vận, tâm điểm của sáng kiến “phi USD hóa” là mối lo ngại một ngày nào đó Mỹ có thể sử dụng sức mạnh tiền tệ của mình để nhắm mục tiêu vào các nước theo như cách đã sử dụng để trừng phạt Nga. Đây cũng là một phản ứng khách quan đối với sự khó lường trong chính sách kinh tế, tài chính Mỹ cũng như việc lạm dụng của Washington đối với đồng USD giữ vị thế là loại tiền tệ dự trữ hàng đầu thế giới.

Vào năm ngoái, toàn thế giới đã choáng váng sau khi một nửa số dự trữ ngoại tệ (300 tỷ USD) của Ngân hàng Trung ương Nga bị phong tỏa. “Cú đánh” mạnh này chỉ là một trong những đòn trừng phạt tài chính do Mỹ dẫn đầu được triển khai nhắm vào Nga liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine. Vụ việc này khiến một số quốc gia có động thái đề phòng nguy cơ họ rơi vào hoàn cảnh tương tự bằng cách tránh việc phụ thuộc vào đồng USD, góp phần thúc đẩy xu hướng sử dụng nhiều ngoại tệ khác nhau để thanh toán trên thế giới. Vai trò của USD trên thế giới cũng vì thế phần nào sẽ bị giảm bớt.

Trên Sputnik, chuyên gia Nikita Maslennikov thuộc Trung tâm Công nghệ Chính trị của Nga, dự đoán về khả năng thay đổi cơ bản trong trật tự thanh toán và thương mại quốc tế nói chung và hệ thống tiền tệ thế giới trong những thập kỷ tới. Theo chuyên gia Maslennikov, càng nhiều loại tiền tệ phục vụ kim ngạch thương mại trên thế giới, càng có nhiều trung tâm tiền tệ thì càng tốt. Chuyên gia Maslennikov dự đoán sẽ mất khoảng 10 đến 15 năm để xây dựng hệ thống tiền tệ đa cực, đa hợp. 

Giới phân tích cũng cho rằng, kể cả sau khi kết thúc kỷ nguyên bá chủ của đồng USD cũng không nhất thiết phải có “siêu tiền tệ” mới. Thay vào đó, các nước đang phát triển sẽ sử dụng thế mạnh của mình trong tăng trưởng kinh tế và hợp tác thương mại để cùng nhau xây dựng hệ thống tiền tệ quốc tế đa cực, được kỳ vọng sẽ công bằng và hiệu quả hơn.

Rõ ràng, xu hướng “phi USD hóa” đã tạo điều kiện cho các đồng tiền khác gia tăng vai trò, đặc biệt là đồng nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc. Tại Nga, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã siết cả nguồn cung và nhu cầu USD tại Nga, khiến đồng NDT ngày càng phổ biến. Theo Bloomberg, trong tháng 2 vừa qua, trên sàn giao dịch Moscow, lần đầu tiên khối lượng giao dịch NDT đã vượt USD, trong khi trước cuộc xung đột Ukraine, lượng NDT giao dịch tại thị trường Nga là không đáng kể. Đầu năm nay, Bộ Tài chính Nga cho biết, NDT “đang ngày càng quan trọng” với quỹ đầu tư quốc gia nước này. 

Tuy nhiên, bất chấp xu hướng “phi USD hóa” hiện nay khiến vị thế quốc tế của đồng USD bị lung lay, giới phân tích vẫn tin tưởng đồng tiền của Mỹ không dễ dàng mất đi vị trí thống trị của mình. Vị thế vững chắc của đồng USD đã được chứng minh sau các sự cố tài chính toàn cầu như hệ thống Bretton Woods sụp đổ vào thập niên 1970, hay sự ra đời của đồng euro năm 1999 và sau đó là khủng hoảng tài chính 2008-2009. 60% dự trữ ngoại hối của các ngân hàng trung ương trên thế giới hiện nay duy trì bằng USD chính là một minh chứng.

XUÂN PHONG