Theo ông Kortunov, ưu tiên đầu tiên của Nga sẽ là ngăn chặn leo thang căng thẳng ở khu vực Donbass, Đông Ukraine và dọc theo biên giới Nga-Ukraine. Nhiều chuyên gia và chính trị gia ở phương Tây coi cuộc đối đầu quân sự ở Ukraine là một viễn cảnh gần như không thể tránh khỏi. Do đó, ngăn chặn một kịch bản như vậy sẽ là một thành công lớn trong chính sách đối ngoại của Nga.

Ưu tiên thứ hai là ổn định quan hệ Nga-Mỹ. Ông Kortunov nhận định, với các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước trong suốt năm 2021, cạnh tranh Nga-Mỹ vẫn trong tầm kiểm soát. Liên quan tới quan hệ với Mỹ, mục tiêu quan trọng của Nga trong năm 2022 là chấm dứt căng thẳng ngoại giao và khôi phục hoạt động của các cơ quan đại diện ngoại giao hai nước ở Moscow và Washington.

 Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tại New Delhi hồi tháng 12-2021. Ảnh: EPA-EFE

Thứ ba là thúc đẩy đối thoại giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Dù vẫn có những căng thẳng nhưng cả hai bên đều quan tâm đến việc mở cuộc đối thoại mang tính xây dựng, không chỉ trong lĩnh vực chính trị mà còn ở lĩnh vực quân sự.

Tuy nhiên, để đạt hiệu quả, cuộc đối thoại này phải bao gồm các cuộc tiếp xúc giữa các quan chức quân sự hai bên.

Thứ tư là thỏa thuận giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) về chuyển đổi năng lượng. Năm 2022 sẽ có ý nghĩa quyết định đối với việc xác định tương lai của hợp tác Nga-EU trong lĩnh vực năng lượng. Cùng với việc khởi động các dự án phát triển năng lượng mới, điều quan trọng đối với Nga là đưa đường ống “Dòng chảy phương Bắc 2” (Nord Stream 2) vào hoạt động.

Thứ năm là ngăn chặn khủng hoảng ở Afghanistan. Trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội ở Afghanistan tiếp tục xấu đi, việc thiết lập các cơ chế hợp tác đa phương hiệu quả để hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan sẽ là một thành công của chính sách đối ngoại Nga. 

Thứ sáu là đưa quan hệ Nga-Trung lên tầm cao mới. Moscow và Bắc Kinh có mối quan hệ hợp tác tích cực và ổn định. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng đến các lĩnh vực hợp tác nhân đạo, văn hóa và giáo dục giữa hai nước. Cả Nga và Trung Quốc đang tìm cách phát triển chuỗi sản xuất và công nghệ chung cũng như tăng cường hoạt động đầu tư song phương.

Thứ bảy là tạo bước đột phá trong quan hệ Nga-Ấn Độ. Trong Chiến lược An ninh quốc gia công bố hồi tháng 7-2021, Nga coi trọng việc phát triển mối quan hệ với Ấn Độ. Do đó, năm 2022 có thể là năm của những bước đột phá trong quan hệ Moscow-New Delhi không chỉ ở lĩnh vực thương mại và đầu tư mà còn ở khía cạnh địa chính trị.

Thứ tám là củng cố vị thế của Nga ở “lục địa đen”. Dự kiến, Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi lần thứ hai sẽ được tổ chức vào mùa thu năm nay. Hội nghị đầu tiên được tổ chức tại thành phố Sochi của Nga hồi tháng 10-2019, làm dấy lên nhiều hy vọng về triển vọng mở rộng sự hiện diện của Nga ở châu Phi. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến vấn đề này.

Mặc dù vậy, châu Phi hiện vẫn duy trì tương tác với Nga. Do đó, trong năm nay, hai bên có thể chuyển đổi các thỏa thuận chính trị thành các dự án thiết thực về năng lượng, giao thông, cơ sở hạ tầng đô thị, thông tin liên lạc, giáo dục, y tế cộng đồng và an ninh khu vực.

Thứ chín, hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Ông Kortunov nhận định, chính sách đối ngoại của Nga cần đặt ra các mục tiêu chiến lược cho mình, bao gồm mở rộng hợp tác quốc tế trong việc cung cấp vaccine, tạo điều kiện cho việc phục hồi nền kinh tế toàn cầu sau đại dịch, chống lại chủ nghĩa bảo hộ...

Ưu tiên thứ mười là ngăn chặn sự sụt giảm nghiêm trọng của giá dầu. Sự biến động trên thị trường năng lượng toàn cầu có nguy cơ dẫn đến sự sụt giảm giá dầu trong năm nay. Vì vậy, một trong những nhiệm vụ chiến lược của Nga vào năm 2022 là giảm thiểu sự biến động của giá năng lượng thông qua khuôn khổ hợp tác Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đối tác, còn gọi là OPEC+.

Điều quan trọng là phải tăng cường sự tương tác của các nước xuất khẩu hydrocacbon trong bối cảnh toàn cầu bắt đầu quá trình chuyển đổi năng lượng.

Ngoài ra, Moscow cũng sẽ chú trọng tới việc triển khai các chương trình trong khuôn khổ Nhà nước Liên minh Nga-Belarus và đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Tổng giám đốc RIAC Kortunov lưu ý, những vấn đề ưu tiên trên không dễ giải quyết, đòi hỏi sự phối hợp hiệu quả của nhiều cơ quan liên quan cũng như kỹ năng khéo léo cùng sự kiên trì của đội ngũ đối ngoại Nga.

LÂM ANH