Tờ The Japan Times cho biết, thông tin trên được ông Hiroshi Yamanaka, Chủ tịch Cơ quan thám hiểm hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) xác nhận trong cuộc họp báo ngày 20-1. "Các dữ liệu liên tục được gửi về trái đất sau khi tàu đáp xuống bề mặt mặt trăng là bằng chứng cho thấy, mục tiêu hạ cánh mà chúng tôi đề ra đã đạt được", Chủ tịch JAXA tuyên bố.

Tuy nhiên, JAXA cũng cho biết, do hệ thống pin mặt trời của SLIM không phát điện nên hoạt động của tàu vũ trụ này đang phải dựa vào pin dự phòng và nguồn năng lượng này không thể duy trì lâu dài. JAXA cũng khẳng định cần có thời gian để phân tích chính xác những gì đã xảy ra.

leftcenterrightdel
Tàu đổ bộ thông minh khảo sát mặt trăng (SLIM) của Nhật Bản. Ảnh: Kyodo News 

 

Theo CNN, SLIM được gọi là "xạ thủ mặt trăng" vì được trang bị công nghệ chính xác cao. Tờ Nikkei Asia cho biết, SLIM là tàu vũ trụ nhỏ, cao 2,4m, dài 1,7m, rộng 2,7m và nặng khoảng 700kg. Theo Kyodo News, ngày 7-9-2023, SLIM được phóng vào vũ trụ từ Trung tâm vũ trụ Tanegashima ở tỉnh Kagoshima, Tây Nam Nhật Bản. Ngày 25-12-2023, SLIM tiến vào quỹ đạo mặt trăng. Vụ phóng ban đầu được lên kế hoạch vào khoảng tháng 5-2023 nhưng bị hoãn do vấn đề kỹ thuật. Đến tháng 8-2023, vụ phóng tiếp tục bị hoãn do yếu tố thời tiết.

Tờ The Japan Times nhấn mạnh, thành công của sứ mệnh SLIM tạo động lực cần thiết cho chương trình vũ trụ của Nhật Bản.  Nhật Bản đã "làm nên lịch sử" khi trở thành quốc gia thứ 5 trên thế giới phóng thành công tàu vũ trụ lên mặt trăng sau Mỹ, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ. Công nghệ của SLIM "có thể ứng dụng cho các sứ mệnh lớn hơn hướng tới mặt trăng và sao hỏa trong tương lai". SLIM hạ cánh thành công xuống mặt trăng có thể là "một bước nhỏ" với một tàu vũ trụ nhưng lại là "một bước nhảy vọt" đối với việc khám phá vũ trụ của Nhật Bản.

Kyodo News cho biết, JAXA hy vọng rằng, sự kiện SLIM hạ cánh thành công xuống mặt trăng sẽ tạo ra bước chuyển đổi từ kỷ nguyên "hạ cánh ở nơi nằm trong khả năng của chúng ta" sang "hạ cánh ở nơi mà chúng ta muốn" đối với các sứ mệnh khám phá mặt trăng trong tương lai. Tờ The Japan Times dẫn lời ông Masaki Fujimoto, Phó viện trưởng Viện Khoa học vũ trụ thuộc JAXA bày tỏ hy vọng, thành công của SLIM sẽ khuyến khích giới trẻ Nhật Bản "có hoài bão lớn hơn" bởi việc đáp xuống bề mặt mặt trăng "là một thách thức vô cùng khó".

Theo CNN, sứ mệnh SLIM được thực hiện trong bối cảnh cuộc chạy đua lên mặt trăng ngày càng "náo nhiệt". Gần đây nhất, ngày 23-8-2023, tàu Chandrayaan-3 hạ cánh thành công xuống mặt trăng đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới phóng thành công tàu vũ trụ lên mặt trăng. Tờ Financial Times cho rằng, bên cạnh niềm tự hào dân tộc, cuộc chạy đua lên mặt trăng còn có những lý do khác. Theo chuyên gia Brian Weeden tại Secure World Foundation-một cơ quan nghiên cứu của Mỹ tập trung vào việc sử dụng bền vững vũ trụ, nhiều sứ mệnh khám phá mặt trăng hiện nay nhằm mục đích xác định "những gì thực sự hữu ích ở nơi đó". "Liên quan tới công nghệ khám phá vũ trụ, chi phí đã giảm nhiều và nó đã được thương mại hóa ở một số khía cạnh. Đó cũng là lý do ngày càng nhiều quốc gia quan tâm đến vũ trụ. Và khi họ quan tâm đến vũ trụ, mặt trăng trở thành mục tiêu to lớn nhưng có khả năng đạt được... Một số người cho rằng sự hiện diện trên mặt trăng sẽ mang lại giá trị quân sự, chiến lược và kinh tế to lớn. Một số khác nghĩ rằng trên mặt trăng có các nguồn tài nguyên mà con người cần", chuyên gia Brian Weeden nhấn mạnh.

Tờ Financial Times dẫn lời nhà phân tích Dallas Kasaboski tại hãng tư vấn về lĩnh vực vũ trụ NSR ước tính, trên thế giới hiện có hơn 400 sứ mệnh khám phá mặt trăng được chính phủ các nước và nhiều doanh nghiệp tư nhân lên kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2022-2032.

VŨ HOÀNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.