Theo TASS, tuyên bố trên được nhà lãnh đạo Nga đưa ra trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz ở thủ đô Moscow vào ngày 15-2, sau cuộc hội đàm nhân chuyến thăm Nga của ông Scholz. Ông Putin cho biết, Nga đã đưa ra các đề xuất về một quá trình đàm phán. “Kết quả của quá trình này phải là một thỏa thuận về bảo đảm an ninh bình đẳng cho tất cả các quốc gia, bao gồm cả đất nước của chúng tôi”, nhà lãnh đạo Nga khẳng định.
 |
Tổng thống Nga Vladimir Putin (bên phải) và Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại cuộc họp báo chung. Ảnh: RIA Novosti |
Khi được hỏi về các hành động tiếp theo của Moscow liên quan tới tình hình Ukraine, Tổng thống Putin cho biết, điều này sẽ được đưa ra dựa trên thực tế và sẽ không chỉ phụ thuộc vào Nga. Ông Putin bảo đảm rằng, Nga mong muốn giải quyết những vấn đề an ninh bằng các biện pháp ngoại giao và sẵn sàng thảo luận về các sáng kiến từ Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng phải có giá trị và tầm quan trọng hàng đầu đối với Nga. Tổng thống Nga cũng lưu ý việc bảo đảm rằng Ukraine sẽ không gia nhập NATO nên được quyết định “ngay bây giờ”.
Về phần mình, Thủ tướng Đức Scholz nhắc lại rằng phương Tây rất lo ngại về việc Nga tập trung quân gần biên giới Ukraine, nhưng không cho rằng khả năng ngoại giao đã hết. Ông Scholz nhận định, việc một số binh sĩ Nga trở lại các căn cứ là “một dấu hiệu tốt”. Theo ông Scholz, mặc dù các bên có lập trường khác biệt về bảo đảm an ninh nhưng vẫn cùng thảo luận về một số nội dung. Điều đó đồng nghĩa với việc các bên có khả năng tìm kiếm giải pháp cho căng thẳng bằng con đường ngoại giao. Thủ tướng Đức khẳng định, Nga là một phần cốt yếu trong việc duy trì an ninh tại châu Âu và an ninh bền vững chỉ có thể đạt được khi hợp tác với Moscow.
Chuyến thăm Nga của Thủ tướng Đức Scholz diễn ra chỉ một tuần sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron có mặt tại Moscow. Giới phân tích nhận định, lãnh đạo hai quốc gia đầu tàu của Liên minh châu Âu đang nỗ lực khẳng định vai trò của mình trong việc giải quyết xung đột ở Ukraine và Tổng thống Nga Putin luôn thể hiện sự sẵn sàng cho tất cả các cuộc đối thoại. Theo tờ Vedomosti, Moscow muốn tiếp tục theo đuổi tiến trình đàm phán với phương Tây thay vì đối đầu, bởi vì Nga không cho rằng cánh cửa đối thoại đã khép lại.
Giữa bối cảnh các nhà lãnh đạo phương Tây đưa ra những cảnh báo về việc Nga có thể tấn công Ukraine bất cứ lúc nào và một số nước đã sơ tán nhân viên ngoại giao khỏi các đại sứ quán ở Kiev, ngày 15-2, Bộ Quốc phòng Nga thông báo rằng một số lực lượng mà nước này triển khai gần biên giới với Ukraine bắt đầu rút về căn cứ. Phía Nga coi tuyên bố rút quân là bằng chứng cho thấy phương Tây đã sai lầm khi đồn đoán về cuộc tấn công quân sự. Lâu nay, Moscow vẫn khẳng định họ không bao giờ có kế hoạch tấn công Ukraine và Nga có quyền di chuyển binh sĩ trong lãnh thổ của mình khi thấy phù hợp.
Liên quan tới quan điểm của Nga đối với vấn đề Ukraine, trong bài trả lời phỏng vấn đăng trên tờ Parlamentskaya Gazeta, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) Valentina Matviyenko tuyên bố, Moscow sẽ làm tất cả mọi thứ trong khả năng của nước này để bảo đảm không xảy ra chiến tranh với Ukraine. Bà Matviyenko lưu ý rằng, Nga và Ukraine chia sẻ lịch sử chung nhiều thế kỷ. Do đó, bà Matviyenko tin tưởng, mặc dù quan hệ giữa hai nước đang trải qua thời kỳ khó khăn, song mọi vấn đề đều có thể được giải quyết một cách hòa bình thông qua các biện pháp ngoại giao và chính trị. Bà Matviyenko khẳng định, không có lý do khách quan nào để cáo buộc Nga có ý đồ gây hấn với Ukraine. Theo bà Matviyenko, một số thế lực nào đó ở Mỹ và phương Tây nói chung đang tìm cách lôi kéo Ukraine vào một cuộc chiến với Nga. Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga thông báo, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Antony Blinken, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhấn mạnh sự cần thiết của việc tiếp tục đối thoại về bảo đảm an ninh mà không có những lời lẽ mang tính gây hấn, đồng thời kêu gọi một cách tiếp cận thực tế trong vấn đề này.
LÂM ANH