Theo Reuters, ngày 2-9, tập đoàn Gazprom cho biết không thể mở lại đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 theo kế hoạch, sau khi phát hiện tua bin chính tại trạm nén Portovaya gần St.Petersburg bị rò rỉ dầu trong quá trình kiểm tra chung với đơn vị bảo dưỡng Siemens Energy (Đức). Thông báo cho biết, việc vận chuyển khí đốt qua Nord Stream 1 bị dừng hoàn toàn cho đến khi vấn đề được khắc phục, nhưng không đề cập đến thời gian cụ thể sẽ nối lại hoạt động cung cấp khí đốt thông qua đường ống này. 

Trước đó, ngày 30-8, Gazprom công bố quyết định ngừng hoạt động tuyến đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc 1 trong khoảng thời gian từ 4 giờ ngày 31-8 đến 4 giờ ngày 3-9, do cần phải sửa chữa tua bin khí duy nhất đang hoạt động. Gazprom cho biết, theo tài liệu của công ty Siemens Energy, phải bảo dưỡng trạm nén khí sau 1.000 giờ hoạt động để kiểm tra tình trạng vỏ máy, hệ thống cung cấp dầu bôi trơn, kiểm tra và loại bỏ rò rỉ, kiểm tra van an toàn và điều chỉnh hệ thống điều khiển lưu lượng luồng khí. Sau khi công việc được thực hiện cùng với các chuyên gia của hãng Siemens Energy, hoạt động vận chuyển khí đốt sẽ tiếp tục được thực hiện theo mức của tháng 8 nếu không phát hiện những trục trặc kỹ thuật của động cơ. 

Một phần đường ống Nord Stream 1 tại Lubmin, Đức. Ảnh: Reuters 

Quyết định trên của Gazprom được đưa ra vài giờ sau khi người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong cuộc họp báo rằng việc cung cấp khí đốt qua Nord Stream 1 có thể gặp nhiều gián đoạn hơn trong tương lai. Moscow cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga đã cản trở các hoạt động và công tác bảo trì thường kỳ của đường ống.

Tuy nhiên, hãng Siemens Energy cho rằng sự cố rò rỉ dầu không phải lý do kỹ thuật khiến tập đoàn Nga hoãn mở lại Nord Stream 1 sau đợt bảo dưỡng. Siemens Energy cho biết sự cố rò rỉ như vậy thường không ảnh hưởng tới hoạt động của tua bin và có thể bịt kín tại chỗ. Theo hãng này, đó là quy trình thường xuyên trong quá trình bảo trì. Sự cố rò rỉ này từng xuất hiện trong quá khứ và không dẫn đến dừng hoạt động, đồng thời khẳng định đã vài lần chỉ ra rằng trạm Portovaya có đủ tua bin bổ sung để Nord Stream 1 hoạt động. Tuyên bố của Siemens Energy trái ngược với phát biểu của Giám đốc điều hành Gazprom Alexey Miller cho rằng hãng này không thể thực hiện sửa chữa các tua bin bị rò rỉ dầu do các lệnh trừng phạt nhằm vào tập đoàn Nga. 

Phản ứng trước động thái trên của Gazprom, theo Reuters ngày 3-9, Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ (NSC) nói rằng: “Thật không may và cũng không bất ngờ khi Nga tiếp tục vũ khí hóa năng lượng nhằm vào người tiêu dùng châu Âu”. Theo Người phát ngôn NSC, Mỹ và châu Âu đang phối hợp để bảo đảm có đủ nguồn cung. Brussels cũng từng cáo buộc Nga đang sử dụng khí đốt làm vũ khí để trả đũa các đòn trừng phạt của phương Tây, nhưng Moscow đã nhiều lần bác bỏ.

Thông báo hoãn mở lại Nord Stream 1 của Gazprom được đưa ra sau khi G7 nhất trí áp giá trần với dầu Nga vào ngày 2-9. Tuyên bố chung của các bộ trưởng tài chính nhóm G7 cam kết sẽ khẩn trương hoàn tất những biện pháp, tiến tới áp giá trần dầu mỏ và các sản phẩm tinh chế của Nga nhằm siết chặt hầu bao của Moscow. Tuy nhiên, tuyên bố không nói rõ thời gian áp dụng hay mức giá trần là bao nhiêu. Tuyên bố cũng kêu gọi thiết lập một “liên minh” sử dụng giá trần do G7 đặt ra, khuyến khích các nước đang nhập khẩu dầu mỏ và sản phẩm tinh chế từ Nga chỉ mua với mức giá bằng hoặc thấp hơn giá trần.

Lãnh đạo Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cũng nói rằng Liên minh châu Âu (EU) nên áp giá trần đối với khí đốt Nga để ngăn Moscow thao túng thị trường. Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev tuyên bố Moscow sẽ cắt hoàn toàn nguồn cung khí đốt cho châu Âu nếu Brussels làm vậy.

Trong một tuyên bố riêng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen giải thích việc áp giá trần dầu mỏ Nga có tác động kép, không chỉ gây khó khăn cho Nga và giải vây cho Ukraine mà còn tác động đến kinh tế các nước khác. Theo bà Yellen, nếu kế hoạch này được thực thi và nhận được sự ủng hộ của nhiều nước, tình hình lạm phát do giá nhiên liệu tăng cao ở nhiều nước sẽ được kiểm soát và từng bước giảm xuống. Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki cũng nhấn mạnh sự ủng hộ của Tokyo với áp giá trần dầu mỏ Nga, bày tỏ lạc quan rằng biện pháp này sẽ giúp kiềm chế giá năng lượng tăng cao và lạm phát.

Hiện Nga chưa đưa ra bình luận về tuyên bố chung của G7. Giới chức Nga trước đó cảnh báo sẽ không bán dầu cho nước nào áp giá trần các sản phẩm dầu mỏ Nga và xa hơn có thể là khí đốt.

MAI NGUYÊN