Thông báo của Gazprom một lần nữa làm dấy lên lo ngại rằng nguồn cung khí đốt từ Nga sang EU có thể sẽ không được nối lại sau thời gian bảo trì. Thông tin trên khiến giá khí đốt trên thị trường thế giới leo thang, dẫn tới giá điện tiêu chuẩn tại Hà Lan tăng hơn 13% lên mức 276,75 euro/megawatt giờ. Mức giá này đã tăng gấp 15 lần mức trung bình so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, giá điện tại Đức lần đầu tiên tăng cao kỷ lục, lên trên 710 euro/megawatt giờ. Tại Pháp, giá điện tăng lên mức 801 euro/megawatt giờ. Giá than giao sau cũng đạt mức cao chưa từng có.

Bloomberg trích dẫn báo cáo của Timera Energy cho hay: “EU hiện đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng điện và khí đốt song song. Chúng tôi đã sử dụng hết các tính từ để mô tả tốc độ tăng giá này".

Cơ sở dự trữ khí đốt tại Lubmin (Đức), nơi tiếp nhận khí đốt từ đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1, ngày 11-7. Ảnh: Bloomberg 

Trên CNBC, Holger Schmieding, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Berenberg (Đức) nhận định: “Về bản chất, việc đóng cửa đường ống trong thời gian ngắn sẽ không tạo ra sự khác biệt lớn, nhất là khi Nga đã từng giảm lượng khí đốt qua Dòng chảy Phương Bắc 1 xuống còn 20% công suất kể từ ngày 27-7... Tuy nhiên, nó làm nổi bật hai rủi ro nghiêm trọng: Một là Nga có thể tuyên bố rằng họ không thể mở lại đường ống vì “vấn đề kỹ thuật” chỉ có thể được giải quyết nếu các lệnh trừng phạt của phương Tây được dỡ bỏ; hai là sau thời gian bảo trì, Nga vẫn tiếp tục đóng cửa các đường ống dẫn khí đốt tới EU”.

Theo Thierry Bros, một giáo sư về năng lượng quốc tế tại Sciences Po ở Paris: “Thảm họa đã đến rồi. Tôi nghĩ câu hỏi chính là khi nào thì các nhà lãnh đạo EU sẽ thức tỉnh”. Còn Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo thì cảnh báo EU có thể phải đối mặt với không chỉ một mà là 10 mùa đông khó khăn phía trước. Bởi lẽ, cuộc khủng hoảng khí đốt có thể gây căng thẳng kéo dài cho các nền kinh tế EU và khiến hàng nghìn hộ gia đình phải vật lộn để thanh toán các hóa đơn năng lượng. 

Những lo ngại về suy thoái kinh tế đã đẩy đồng euro xuống mức thấp nhất trong hai thập kỷ vào hôm 22-8, trong khi lạm phát tại các nước EU đang ở mức cao nhất trong nhiều năm. Châu Âu đang rơi vào tình cảnh bấp bênh khi chỉ còn hơn một tháng nữa là mùa đông chính thức bắt đầu. Các quốc gia EU đang gấp rút lấp đầy các cơ sở dự trữ khí đốt, tuy nhiên họ vẫn chưa thể chấm dứt hoàn toàn sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Chính vì lẽ đó, bất kỳ sự cắt giảm nguồn cung khí đốt ở mức độ nào cũng có thể khiến việc phân bổ “khẩu phần khí đốt” ở châu Âu trở thành hiện thực.

Tại Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron đã cảnh báo người dân về những khó khăn tiềm ẩn trong những tháng tới và yêu cầu người dân Pháp “chấp nhận trả giá cho sự tự do và giá trị của chúng ta”. Với vai trò nền kinh tế đầu tàu châu Âu, tình hình tại Đức đặc biệt khẩn cấp: Sự phụ thuộc của nước này vào khí đốt của Nga khiến nước này trở nên dễ bị tổn thương dù chính quyền Đức không ngừng nỗ lực tìm kiếm nguồn cung khí đốt thay thế. Berlin cũng đã xem xét việc khởi động lại các nhà máy nhiệt điện than và có thể phải kéo dài tuổi thọ của các nhà máy điện hạt nhân còn lại. Các ngành công nghiệp ở nền kinh tế lớn nhất EU đang chịu một tác động lớn. Martin Devenish, cựu giám đốc điều hành Tập đoàn Goldman Sachs nhận định: “Là cường quốc của EU, sở hữu các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng, điều đó đồng nghĩa với việc Đức chịu thiệt hại đáng kể khi cuộc khủng hoảng năng lượng tiếp tục diễn ra”.

Trong một diễn biến khác, giá dầu thô trên thị trường thế giới cũng bắt đầu leo thang sau khi Saudi Arabia, một trong những nhà xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới tuyên bố Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có thể cắt giảm sản lượng để điều chỉnh đà giảm giá dầu gần đây. Bên cạnh đó, cơ hội cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran cho phép nước này thúc đẩy xuất khẩu dầu dường như cũng không có triển vọng, góp phần gây sức ép làm tăng giá dầu. Ngày 23-8, giá dầu thô Brent giao sau đã tăng thêm 93 cent, tương đương 1%, lên mức 97,41 USD/thùng, sau một phiên giao dịch đầy biến động trước đó một ngày khi dầu rớt giá hơn 4USD/thùng.

HÀ PHƯƠNG