Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã nhấn mạnh như vậy, đồng thời khẳng định ngày 20-8-2022 là một ngày lịch sử đối với đất nước và người dân Hy Lạp.
Trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 20-8, Thủ tướng Mitsotakis khẳng định, 12 năm vốn mang đến nhiều khó khăn cho người dân, khiến nền kinh tế chững lại cũng như làm gia tăng xung đột xã hội nay đã kết thúc. Theo ông, Hy Lạp giờ đây đang đứng trước chân trời mới, với sự phát triển, đoàn kết và thịnh vượng cho tất cả người dân.
 |
Đối với Thủ tướng Kyriakos Mitsotakis, Hy Lạp đã bước sang một trang mới từ ngày 20-8.Ảnh: AFP. |
Trước đó, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Valdis Dombrovskis và Ủy viên châu Âu phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni cũng xác nhận Hy Lạp thoát khỏi khuôn khổ giám sát nâng cao của EU từ ngày 20-8, qua đó sẽ được tự do hơn trong việc đưa ra các chính sách kinh tế. “Sự kết thúc của cuộc giám sát tăng cường đối với Hy Lạp đánh dấu sự kết thúc mang tính biểu tượng của giai đoạn khó khăn nhất mà Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) từng trải qua”, ông Gentiloni nhấn mạnh. Theo ông Gentiloni, phản ứng mạnh mẽ của EU đối với đại dịch Covid-19 cho thấy châu Âu đã học được rất nhiều từ cuộc khủng hoảng tài chính trước đây.
Vào tháng 11-2009, Hy Lạp báo cáo thâm hụt ngân sách tăng mạnh, dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính trên toàn Eurozone và tàn phá nền tài chính của nước này trong một thập niên. Để đổi lấy khoản tiền cứu trợ trị giá 289 tỷ euro và để ngăn Hy Lạp “tàn phá” Eurozone, bộ ba “troika” gồm Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã yêu cầu Athens cải cách toàn diện.
Các biện pháp cải cách này bao gồm: Cắt giảm sâu lương và chi tiêu nhà nước, tăng thuế, tư nhân hóa và các cải cách sâu rộng khác nhằm tăng cường tài chính công. Đến tháng 8-2018, Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) tuyên bố Hy Lạp chính thức thoát khỏi phụ thuộc các gói cứu trợ sau 8 năm “thắt lưng buộc bụng”. Kể từ đó đến nay, EU đã triển khai khuôn khổ giám sát nâng cao đối với Hy Lạp nhằm bảo đảm rằng Athens tiếp tục thực hiện các biện pháp để giải quyết những nguyên nhân tiềm ẩn gây khó khăn kinh tế cũng như tiếp tục thực hiện các cải cách cơ cấu nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
Sau 12 năm áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng”, kinh tế Hy Lạp đã tăng trưởng trở lại, tỷ lệ thất nghiệp giảm còn 3%. “Quá trình cải cách khắc khổ kéo dài 12 năm qua đã mang lại nỗi đau cho người dân, dẫn đến trì trệ kinh tế và chia rẽ xã hội. Hy Lạp ngày nay là một Hy Lạp khác”, Thủ tướng Mitsotakis nhấn mạnh.
Theo Thủ tướng Mitsotakis, việc giám sát tài chính kết thúc sẽ củng cố vị thế trên thị trường quốc tế của Hy Lạp bằng cách tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Athens cũng sẽ có quyền kiểm soát nhiều hơn đối với chính sách kinh tế trong nước. Tuy nhiên, giống như các thành viên nhận được cứu trợ từ EU như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Cyprus và Ireland, Hy Lạp vẫn sẽ bị các chủ nợ giám sát trong quá trình thanh toán nợ. Đối với Hy Lạp, quá trình này sẽ mất hai thế hệ nữa, khi các khoản vay cuối cùng đến hạn trả vào năm 2070.
Theo dự báo của EC, kinh tế Hy Lạp sẽ tăng trưởng khoảng 4% trong năm nay, cao hơn so với mức trung bình 2,6% của Eurozone. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp của Hy Lạp vẫn ở mức cao nhất trong EU, mức lương tối thiểu cũng thuộc hàng thấp nhất trong khi nợ công của nước này tương đương 180% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
PHƯƠNG VŨ