Tờ Financial Times đưa tin, ngày 11-8, phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô Berlin (Đức), Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh, ông ủng hộ ý tưởng về một đường ống dẫn khí đốt mới nối Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha đến Trung Âu qua Pháp, qua đó giúp giảm phụ thuộc năng lượng vào Nga. Người đứng đầu Chính phủ Đức cũng cho biết đã thảo luận vấn đề này với các nhà lãnh đạo Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

“Chúng ta thực sự nên triển khai một dự án như vậy... Ngoài ra, cũng cần có các kết nối giữa Bắc Phi và châu Âu để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng”, Financial Times dẫn lời kêu gọi của Thủ tướng Đức, nhưng ông không cho biết thêm chi tiết về ý tưởng đã trao đổi với giới chức châu Âu.

 Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Bloomberg

Thực tế là châu Âu đã có một dự án tương tự như vậy với tên gọi Midcat đi xuyên qua phía đông dãy núi Pyrenees, kết nối Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Pháp. Được công bố vào năm 2013, Midcat từng được kỳ vọng sẽ đóng góp to lớn vào việc giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí đốt trong khu vực. Tuy nhiên, dự án này vấp phải sự phản đối từ các nhà hoạt động môi trường và phải tạm dừng năm 2019. Gần đây, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen có lần hối thúc việc “hồi sinh” Midcat và đề cao tầm quan trọng về địa chính trị của dự án. Chính phủ Tây Ban Nha cũng ủng hộ việc nối lại dự án và mong muốn nhận được tài trợ từ EC.

Dẫu vậy, một dự án đường ống mới sẽ không hoàn thành kịp lúc cho Đức-quốc gia phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga và đang chạy đua tìm nguồn cung khi lưu lượng khí đốt qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) chỉ còn 20% công suất. Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic. Trước đây, đường ống này vận chuyển khoảng 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm. Hiện tình hình cung cấp khí đốt ở nước này đang xấu đi đáng kể. Trong khi hóa đơn năng lượng cho các hộ gia đình Đức dự kiến có thể tăng gấp đôi trong những tháng tới, ngành công nghiệp cũng cảnh báo doanh thu sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng điện. Thủ tướng Olaf Scholz nhận định Đức đang trải qua giai đoạn khó khăn, nhưng tuyên bố chính phủ sẽ làm hết sức để bảo đảm người dân vượt qua thời kỳ này. Chính quyền Berlin tự tin có thể bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn cung từ Nga, với các cảng nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng được xây dựng ở Biển Bắc, dự kiến hoạt động vào đầu năm 2023.

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, thị trường năng lượng trên thế giới nói chung và ở châu Âu nói riêng bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến giá năng lượng tăng vọt trong khi nhiều nước tranh giành nguồn cung. Thống kê cho thấy, Liên minh châu Âu (EU) nhập khẩu 40% tổng lượng khí đốt và 27% tổng lượng dầu từ Nga. Điều này khiến Brussels gặp khó khi đưa ra và tìm sự đồng thuận từ các nước thành viên về những lệnh trừng phạt năng lượng lên Moscow. Trong đó, việc thiếu các đường ống thay thế là trở ngại chính trong nỗ lực của EU nhằm giảm phụ thuộc vào khí đốt của Moscow. Tháng trước, EU đã thông qua đề xuất các nước thành viên tự nguyện cắt giảm 15% nhu cầu sử dụng khí đốt từ tháng 8 năm nay đến tháng 3 năm sau.

KHÁNH NGÂN