Bà Lee Kyung-ja, 70 tuổi, ở thành phố Cheongju có người em gái 62 tuổi được chẩn đoán mắc ung thư cách đây vài tháng. Chia sẻ mới đây với Bloomberg, bà Lee Kyung-ja cho biết, mặc dù đã qua vài lần thăm khám tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Chungbuk-cơ sở y tế lớn nhất Cheongju, song em gái bà vẫn chưa được xếp lịch phẫu thuật.
Với anh Kim, 38 tuổi, ở thủ đô Seoul, vì sốt cao nên anh quyết định đến khám tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul (SNUH) - nơi anh từng được phẫu thuật ung thư. Thế nhưng, bác sĩ tại SNUH đã khuyên anh chuyển sang cơ sở y tế khác để nhập viện điều trị.
"Nhiều bệnh nhân khác còn kể rằng ca phẫu thuật của họ đã bị hủy. Nếu là họ, tôi sẽ rất suy sụp vì chỉ cần chậm trễ một chút thôi cũng có thể ảnh hưởng lớn đến diễn tiến của bệnh ung thư", người đàn ông chia sẻ với Yonhap. Tại Khoa Nhi của SNUH, bệnh nhân và người nhà đã được một y tá thông báo rằng mọi dịch vụ tại khoa "đều không sẵn có" và có thể phải đến tận tháng 8 tới mới được nối lại.
 |
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân tại một bệnh viện ở Seongnam, Hàn Quốc ngày 4-3-2024. Ảnh minh họa: TTXVN
|
Câu chuyện của em gái bà Lee Kyung-ja hay anh Kim chỉ là hai trong số hơn 400 trường hợp bệnh nhân trên khắp Hàn Quốc được ghi nhận phải "hoãn, hủy phẫu thuật hoặc không được điều trị y tế" kể từ khi xảy ra làn sóng các bác sĩ đồng loạt đình công, gây ra tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng cho hệ thống y tế tại xứ sở kim chi, nhất là tại một số bệnh viện đa khoa tuyến trên. Theo Al Jazeera, khoảng 12.000 bác sĩ tại 100 bệnh viện đã nghỉ việc tập thể để phản đối kế hoạch của Chính phủ Hàn Quốc tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y thêm 2.000 sinh viên/năm, bắt đầu từ năm 2025, so với con số hơn 3.000 sinh viên như hiện nay.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ bác sĩ so với quy mô dân số thấp nhất trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Chính phủ Hàn Quốc cho rằng việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y sẽ đáp ứng nhu cầu của đất nước đang già hóa dân số nhanh chóng, giải quyết được tình trạng thiếu hụt bác sĩ tại khu vực nông thôn cũng như ở các chuyên khoa quan trọng như nhi, cấp cứu. Chính phủ Hàn Quốc đặt mục tiêu sẽ "lấp đầy" sự thiếu hụt khoảng 15.000 bác sĩ vào năm 2035.
Tuy nhiên, các bác sĩ tham gia đình công lập luận rằng, Hàn Quốc không cần thêm bác sĩ vì dân số nước này đang giảm và người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ y tế. Theo họ, các sinh viên y Hàn Quốc không mặn mà với các chuyên khoa quan trọng như nhi hay sản phụ khoa và thường đổ xô chọn các chuyên khoa "hái ra tiền" như phẫu thuật thẩm mỹ, da liễu. Vì vậy, việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh ngành y chỉ làm gia tăng cạnh tranh vào các chuyên khoa "hot".
Họ cho rằng, thay vì tăng số lượng bác sĩ, Chính phủ Hàn Quốc nên chú trọng giải quyết vấn đề thu nhập và điều kiện làm việc của các nhân viên y tế hiện nay. Yonhap cho biết, cũng có ý kiến nhận định nguyên nhân chính khiến hàng nghìn bác sĩ Hàn Quốc đình công là do lo ngại kế hoạch của chính phủ sẽ ảnh hưởng tới thu nhập và địa vị xã hội của họ.
Nhằm giảm bớt tình trạng thiếu hụt nhân lực giữa bối cảnh căng thẳng y tế, Chính phủ Hàn Quốc đã buộc phải điều động nhiều bác sĩ quân y sang "chia lửa" với các đồng nghiệp tại các bệnh viện dân sự, đồng thời cho phép mở rộng vai trò của đội ngũ y tá và đẩy mạnh dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa. Bloomberg dẫn lời Giáo sư Jeong Hyoung-sun tại Đại học Yonsei ở Seoul đánh giá, hệ thống y tế Hàn Quốc "hiện vẫn trụ được nhưng không theo cách thông thường".
Theo tờ Korea JoongAng Daily, căng thẳng y tế tại Hàn Quốc đang khiến tính mạng và sức khỏe của người bệnh "bị bắt làm con tin". Với đội ngũ nhân viên y tế còn lại tại các bệnh viện trên khắp Hàn Quốc, họ cũng đang kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần khi phải liên tục tăng ca, đảm nhận nhiều công việc cùng một lúc. "Đây là một cuộc chạy đua với thời gian. Chúng tôi phải căng mình, dồn lực cho các hoạt động cấp cứu. Điều này cũng đồng nghĩa phải trì hoãn điều trị cho các bệnh nhân khác", bác sĩ Lee Yong-bok tại Bệnh viện Hana ở Cheongju nói với Bloomberg.
HOÀNG VŨ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.