Kể từ năm 1960, chính quyền Sài Gòn do Mỹ dựng lên phải đối mặt với lực lượng Quân Giải phóng ngày càng đông đảo, được huấn luyện, tổ chức tốt. Giới chức Mỹ cho rằng MTDTGP miền Nam có nhiều căn cứ hậu cần và huấn luyện ở vùng rừng núi dọc biên giới với Lào và Campuchia. Quan trọng hơn cả, ở đâu đó trong khu vực ấy là sở chỉ huy bí mật của MTDTGP miền Nam.
Sau khi chính thức tham chiến, không quân Mỹ tiến hành không kích dồn dập dọc biên giới Việt Nam-Campuchia. Các sư đoàn thiện chiến nhất tổ chức nhiều cuộc hành quân “tìm và diệt” vào bất cứ địa điểm nào nghi là nơi ẩn náu của Quân Giải phóng. Tuy nhiên, các nỗ lực trên đều không thu được kết quả như mong muốn. Quân Giải phóng không chỉ trụ vững trước sức mạnh áp đảo của Mỹ và chư hầu mà còn chủ động tấn công quy mô lớn.
 |
Máy bay ném bom B-52 tham gia không kích ở Campuchia với mục đích chính là triệt tiêu Trung ương Cục miền Nam Việt Nam. Ảnh: US Army. |
Trong suy nghĩ của nhiều tướng lĩnh và chính trị gia Mỹ, như những bộ máy quân sự các nước lớn, Trung ương Cục miền Nam phải là một trung tâm đồ sộ, có các cơ quan tham mưu, tình báo tinh vi mới có thể lãnh đạo một lực lượng thiện chiến như vậy. Nhận định ấy càng trở nên phổ biến ở Washington sau khi Richard Nixon nhậm chức tổng thống vào đầu năm 1969.
Richard Nixon tiếp quản một nước Mỹ đã sa lầy và bế tắc. Dư luận phản ứng ngày càng tiêu cực. Trên chiến trường, mỗi tuần có hàng trăm lính Mỹ thiệt mạng. Trong tình thế đó, Richard Nixon cùng nhiều tướng lĩnh ngày càng bị ám ảnh bởi Trung ương Cục miền Nam. Ông ta tin rằng sở chỉ huy của đối thủ như một “Lầu Năm Góc bằng tre” dưới tán rừng. Chỉ cần hủy diệt được công trình này là nước Mỹ sẽ chiến thắng.
Richard Nixon còn cho rằng, do hàng loạt chiến dịch trước đó đều không tìm ra được Trung ương Cục miền Nam trên lãnh thổ miền Nam, nhất định “Lầu Năm Góc bằng tre” phải nằm ở Campuchia. Những nhận định sai lầm ấy khiến Richard Nixon phát động chiến dịch “Menu” (Thực đơn), kéo dài từ ngày 18-3-1969 đến 26-5-1970.
Lần này, phạm vi không kích được mở rộng vào sâu lãnh thổ Campuchia thay vì dọc biên giới như trước. Hàng chục máy bay ném bom chiến lược B-52 được huy động. Để tránh dư luận và các đối thủ chính trị trong nước, Richard Nixon đã giữ bí mật về chiến dịch với lưỡng viện Quốc hội, đồng thời phát động mà không có sự đồng ý của người đứng đầu Campuchia khi đó là Hoàng thân Norodom Sihanouk.
Richard Nixon yêu cầu cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hậu thuẫn tối đa cho tướng Lon Nol, Thủ tướng Campuchia khi đó. Ngày 18-3-1970, nhân lúc Hoàng thân Norodom Sihanouk đang ở nước ngoài, Lon Nol tiến hành đảo chính. Chính phủ mới tại Campuchia chuyển hướng sang thân Mỹ, từ bỏ con đường trung lập.
Không dừng lại ở ném bom, ngày 30-4-1970, Richard Nixon tuyên bố đưa quân vào Campuchia với mục tiêu chính là triệt tiêu Trung ương Cục miền Nam. Giận dữ trước quyết định này, biểu tình nổ ra trên toàn nước Mỹ với quy mô lớn chưa từng thấy. Hơn 4 triệu học sinh, sinh viên, những người trong độ tuổi quân dịch tiến hành bãi khóa. Các cuộc biểu tình nhanh chóng biến thành bạo loạn. Ngày 4-5-1970, Vệ binh quốc gia Mỹ nổ súng vào sinh viên ở Đại học Tiểu bang Kent, bang Ohio, gây rúng động toàn quốc.
Bất chấp áp lực phản đối, tháng 7-1970, Richard Nixon vẫn tuyên bố cuộc xâm lược Campuchia là “chiến dịch thành công nhất cuộc chiến”. Tuy nhiên, mục tiêu chính là Trung ương Cục miền Nam lại bị lờ đi do thất bại hoàn toàn. Các cuộc không kích Campuchia bí mật tiếp diễn cho tới năm 1973 mới ngừng do thông tin bị lộ ra ngoài. Ngày 7-11, Thượng viện Mỹ thông qua nghị quyết hạn chế quyền lực chiến tranh của tổng thống.
Lý do Richard Nixon không thể tiêu diệt được trụ sở Trung ương Cục miền Nam đơn giản vì đó không phải là một công trình hay tọa độ. Richard Helms, Giám đốc CIA giai đoạn 1966-1973 tiết lộ, cơ quan này biết rằng một đầu não của MTDTGP miền Nam là có thật nhưng không quy mô như nhiều quan chức tưởng tượng về “Lầu Năm Góc bằng tre”. Các lãnh đạo chủ chốt của MTDTGP miền Nam liên tục phân tán và cơ động. Các nỗ lực “tìm và diệt” kể từ năm 1965 tuy có tìm ra một số dấu vết nhưng “xương sống” của Trung ương Cục miền Nam luôn nằm ngoài tầm với của Mỹ.
Với tư duy chiến tranh kiểu đế quốc và nỗi ám ảnh tìm kiếm danh dự, Richard Nixon đã đưa ra một trong những quyết định sai lầm nhất trong cuộc chiến, gây ra những đau thương không đáng có cho nước Mỹ cũng như hậu quả lâu dài cho toàn Đông Dương.
MINH TRÍ (tổng hợp từ báo chí nước ngoài)