Ngày Tết là dịp để mỗi người chúng ta sum họp bên gia đình sau một năm bận rộn. Vì thế, ai cũng mong ngóng giây phút đoàn tụ để cùng nhau ôn lại những sự kiện của một năm qua, cùng thưởng thức những món ngon ngày Tết bên nhau.

Cũng giống như nhiều quốc gia trên thế giới, người dân ở các vùng của tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc có phong tục ăn Tết theo ngày âm lịch. Là quốc gia có dân số đông, do vậy nền ẩm thực Tết của Trung Quốc cũng phong phú đa dạng. Những món ăn độc đáo trong ngày Tết của người dân Phúc Kiến là một nét chấm phá trong “kho tàng” những món ăn ngon ngày Tết của người dân Trung Quốc. Một số món ăn ngon ngày Tết có thể kể đến như: Sò huyết nướng, thịt kho, đậu phụ om, mì, hàu chiên, cua biển….

leftcenterrightdel

Thịt kho là một món ăn ưa thích trong ẩm thực ngày Tết Phúc Kiến. 

Món thịt kho là món ăn không thể thiếu trong dịp năm mới của người dân Hạ Môn. Món ăn này phải lựa chọn được loại thịt chân giò, lấy cả miếng thịt tươi cùng với tôm khô, nấm, hàu, hạt dẻ, sau đó dùng vải màn gói lại rồi hầm trong nồi nước dùng. Nước dùng thịt là nước xốt từ dược liệu. Món thịt kho ngon đúng điệu chính là món thịt mà sau khi kho xong phải cảm nhận được vị mềm, chỉ cần đưa đũa vào là có thể cắt thịt ra được.

leftcenterrightdel

Ẩm thực Tết Phúc Kiến không thể thiếu món sò huyết nướng. 

Đối với người dân ở Hạ Môn, ngày Tết là dịp để thưởng thức món sò huyết nướng. Người ta ăn món ăn này với mong muốn một năm mới sẽ có nhiều tiền bạc. Sò huyết nướng là món ăn rất phổ biến ở Phúc Kiến và đây cũng là món ăn không thể thiếu trong bữa tối Giao thừa của người Hạ Môn. Sò huyết nhiều nhất và ngon nhất là vào những tháng mùa đông. Sò huyết được nướng chín khoảng 3 phần và tốt nhất là không để cho tách vỏ, khi ăn tự tay tách vỏ món ăn sẽ trọn vị. Vỏ sò huyết nướng sau khi ăn xong thường không bỏ đi mà người dân sẽ bỏ phía dưới gầm giường nhằm cầu tài cầu lộc, đợi đến ngày Mồng 5 Tết mới được dọn sạch.

leftcenterrightdel
Món đậu phụ om Phủ Điền.

Ở Phủ Điền, món đậu phụ om chính là món không thể thiếu mỗi dịp Tết đến. Đây là món ăn đầu tiên của bữa tối Giao thừa. Nhiều gia đình làm món đậu phụ om nấm đỏ với mong muốn hạnh phúc sẽ đến với cả gia đình hạnh phúc trong năm mới. Người ta mượn sự đồng âm trong chữ “Phụ” và “Phúc” của tiếng Hán để biểu đạt hàm ý này. “Hồng cô” (nấm đỏ) có ngụ ý là “hồng phát” hay khởi đầu tốt đẹp. Đối với những người con đi xa quê hương, khi quay trở về Phổ Điền được thưởng thức món đậu phụ om bên mâm cơm tất niên là một cảm xúc vô cùng đặc biệt.

leftcenterrightdel

Ẩm thực Tết Phúc Kiến còn phải kể đến món mì Phủ Điền. 

Ngoài món đậu phụ om, người dân Phủ Điền còn ưa chuộng ăn mì trong bữa cơm cuối cùng của năm. Mì là một trong những món ăn chính không thể thiếu trong bữa tối Giao thừa của người Phủ Điền. Trong phương ngữ Phủ Điền thì chữ “mì” và chữ “mệnh” đồng âm, sợi mì thường rất dài, có nghĩa là người dân mượn mì để cầu mong cho trường thọ. Bí quyết của món mì Phủ Điền nằm ở tinh bột mì, cách ninh nước dùng và nguyên liệu. Sợi mì phải dai và không dễ bị nát sau khi nấu chín. Đun nước dùng cũng là một khâu quan trọng, phải chọn được khúc xương lợn ngon nhất, sau khi ninh nước dùng sẽ có màu trắng, trong và thơm phức. Các nguyên liệu chủ yếu làm nên món mì Phủ Điền thơm ngon chính là thịt nạc, nấm đông cô, tôm khô, sò khô, ngao, hàu, rau hẹ.

Món mì Phủ Điền được ninh trong lửa nhỏ để hương vị của nước dùng và các phụ liệu có thể ngấm sâu vào sợi mì, như vậy khi ra thành phẩm sợi mì mới được thơm ngon, hấp dẫn.

leftcenterrightdel
Hàu biển chiên là món ăn nổi tiếng ở miền Nam Phúc Kiến.  

Đối với người dân Tuyền Châu, hàu biển là món ăn gắn liền với cuộc sống của họ, được ví như dưa muối trên bàn ăn của người Đông Bắc, là ớt trên bàn ăn của người Tứ Xuyên. Hàu biển chiên là món ăn nổi tiếng ở miền Nam Phúc Kiến. Hàu biển Tuyền Châu có vị thơm hơn, thanh và ngon hơn. Vì thế, hàu biển chiên là món ăn ưa thích của người dân Tuyền Châu trong bữa cơm tất niên sum vầy.

leftcenterrightdel
Người Tuyền Châu thích ăn cua biển trong ngày Tết bởi món ăn này mang ý nghĩa “hòa thuận”.

Người Tuyền Châu cũng rất thích ăn cua biển, món ăn này không chỉ mang lại giá trị dinh dưỡng cao mà còn mang ý nghĩa “hòa thuận”. Chữ “Cua” trong từ “Cua biển” và chữ “Hòa” trong từ “Hài hòa” được phát âm gần giống nhau, vì thế người dân đã mượn món ăn này để cầu mong một năm mới mọi điều hài hòa, tốt đẹp. Đó cũng là lý do trong bữa cơm tất niên nhất định phải có món cua biển.

Trong bữa cơm tất niên của người Chương Châu, rau hẹ là món ăn không thể thiếu. Rau hẹ vào mùa xuân thì đặc biệt thơm ngon, món ăn này tượng trưng cho sự hạnh phúc lâu dài.

leftcenterrightdel
Trong bữa cơm tất niên của người Chương Châu, rau hẹ là món ăn không thể thiếu. 

Người Chương Châu cho rằng, những con số về món ăn trong ngày Tết phải là con số tượng trưng cho điềm lành. Thường người ta sẽ chọn 12 món và mỗi món phải mang một ý nghĩa tốt đẹp. Mượn sự đồng âm trong tiếng Hán, tên của các món ăn sẽ có những từ đồng âm với những từ mang tính cát tường. Ví dụ, món cá tượng trưng cho sự dư thừa trong cuộc sống, gà có nghĩa là vàng bạc, vịt nghĩa là vàng và bạc xếp chồng lên nhau, gan lợn có nghĩa quan lộ hanh thông, đậu phụ có nghĩa là phát tài phát lộc…

leftcenterrightdel
 Bánh gạo Chương Châu.

Người Chương Châu cũng thường ăn món bánh gạo trong dịp Tết. Bánh gạo được làm từ mì, trứng, thịt ba chỉ và các nguyên liệu khác, được lên men và mang đi hấp. Ăn bánh gạo trong năm mới với mong ước con cái sẽ có một năm học hành tấn tới, đỗ đạt.

Bữa cơm tất niên được thưởng thức món canh gà nấm Linh Chi là một điều rất may mắn. Nấm Linh Chi hay còn gọi là Tiên thảo là một loại nấm rất quý. Những cây nấm được sinh trưởng trong môi trường tự nhiên ở những ngọn núi cao hơn 500 mét so với mực nước biển ở vùng Long Nham, Phúc Kiến sẽ là những nguyên liệu quý cho món canh gà nấm Linh Chi của người Long Nham. Bởi nhiều công dụng cũng như sự quý hiếm mà canh gà nấm Linh chi trở thành một lựa chọn tối ưu cho bữa tối Giao thừa của người Long Nham.

leftcenterrightdel
Món canh gà nấm Linh Chi tượng trưng cho sự may mắn.  
leftcenterrightdel
Trên bàn cỗ ngày Tết của người Trường Đinh sẽ không thể thiếu rượu gạo Đinh Châu. 

Trong danh mục những loại rượu nổi tiếng của Phúc Kiến, không thể không kể đến rượu gạo Đinh Châu, huyện Trường Đinh. Trên bàn cỗ ngày Tết của người Trường Đinh sẽ không thể thiếu rượu gạo Đinh Châu bởi hương vị đặc trưng thơm nồng, êm dịu, lại dân dã, giản dị của loại rượu này.

Ngày Tết, ngày lễ thiêng liêng đối với mỗi người nói chung và người dân Phúc Kiến nói riêng, trong đó ẩm thực chính là sợi dây kết nối tình cảm gia đình, bạn bè. Với nhiều món ăn mang đậm phong vị Tết cổ truyền, người dân Phúc Kiến dù đi xa muôn nơi vẫn luôn hướng về bên mâm cơm gia đình, để được đoàn tụ và cùng thưởng thức những món ăn ngon quê nhà.

TƯỜNG VY (Theo Du lịch Tam Minh)