Cũng giống người Việt, người Trung Quốc cũng có phong tục làm mâm cơm đêm giao thừa để dâng lên ông bà, tổ tiên, hay còn gọi là mâm cơm đoàn viên, mâm cơm Tết. Mâm cơm Tết mang một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng đối với mỗi gia đình trong dịp Tết. Đó là nơi các thành viên trong gia đình sum vầy bên nhau sau một năm bận rộn. Khi không khí Tết rộn ràng khắp nơi, cũng là lúc nhà nhà chuẩn bị những thực phẩm tươi ngon để chế biến những món ăn truyền thống đón Tết. Bánh chưng, bánh tét là những món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người Việt. Trong khi đó, bánh chưng lại là món ăn chủ đạo trong Tết Đoan Ngọ của người Trung Quốc, còn ngày Tết, mỗi vùng miền trên đất nước rộng lớn này lại có một nét ẩm thực khác nhau.

leftcenterrightdel
Một gia đình Trung Quốc chuẩn bị làm sủi cảo đón năm mới. Ảnh: TTXVN.

Trong ngày Tết cổ truyền, người Trung Quốc thường để dành riêng bát đũa và chỗ ngồi cho những thành viên không thể về đoàn tụ để thể hiện ý nghĩa đoàn viên. Về vị trí chỗ ngồi trong mâm cơm ngày Tết cũng phải theo thứ tự. Ông bà ngồi trên, cháu chắt ngồi giữa, cha mẹ ngồi dưới, không phân chia già trẻ gái trai và thường thì đều phải uống một chút rượu chúc mừng. Bữa cơm Tết được diễn ra trong không khí vô cùng vui vẻ, ấm cúng.

Với hy vọng một năm mới nhiều may mắn, người Trung Quốc thường mượn sự đồng âm trong biểu đạt ngôn ngữ và ý nghĩa tốt đẹp của chính món ăn ngày Tết để gửi gắm những điều an lành. Ví như bánh gạo gọi là “Bộ bộ cao”, nghĩa là “ngày một phát triển”. Bánh sủi cảo gọi là “Vạn vạn thuận”, nghĩa là vạn sự hanh thông. Rượu ngày Tết gọi là “Trường lưu thủy”, “Đại nguyên bảo” thay cho trứng gà, cá được gọi là “Niên niên hữu dư”...

Xưa kia, mâm cơm giao thừa của người Bắc Kinh, Thiên Tân thường làm các món hầm từ thịt lợn, thịt bò, dê, gà và thêm vài món rau xào. Trong khi đó, người Thiểm Tây lại bố trí bữa cơm Tết với bốn mâm, tám bát. Bốn mâm gồm rau xào và các loại rau trộn. Tám bát gồm các món chủ đạo như trộn thập cẩm và đồ nướng, đồ xào.

Ngày Tết của miền Nam tỉnh An Huy lại phong phú với đủ món thịt. Người dân nơi đây đã rất giỏi trong chế biến thịt thành nhiều món khác nhau trong bữa cơm Tết. Cùng một nguyên liệu nhưng lại cho những hương vị khác biệt. Trong khi đó, ở miền Trung thì mâm cơm Tết thường có hai con cá. Một con cá chép và một con cá mè nguyên con. Con cá chép để dâng lên tổ tiên,  thường chỉ nhìn chứ không ăn. Ở đây, người Trung Quốc đã mượn từ đồng âm của “nhìn cá” để biểu đạt ý nghĩa “nhìn thấy dư thừa”. Cá mè thì có thể ăn và mang hàm ý mong một năm mới “con đàn cháu đống”.

Cũng mang ý nghĩa như vậy, vùng Phàn Dương, tỉnh Giang Tây ngoài cá họ còn có thêm món sủi cảo trong mâm cơm Tết. Trong đó, có loại bánh sủi cảo trong nhân có đường miếng, hoa và đồng bạc với mong muốn năm mới sẽ có cuộc sống ngọt ngào, trường sinh bất lão, phát tài phát lộc. Một số nơi khác tại An Huy, bữa cơm đầu tiên trong ngày Tết mỗi người phải cắn một miếng củ cải sống, gọi là “nhai xuân”, họ cho rằng như vậy sẽ “phòng ngừa bệnh tật, năm mới an lành”. Huyện Kỳ Môn thì lấy món “Trung hòa” làm món ăn đầu tiên trong ngày Tết. Nguyên liệu chính của món này bao gồm: Đậu phụ, nấm hương, măng, tôm nõn, thịt kho. Món ăn này mang ý nghĩa “làm điều thiện sẽ rước tiền tài vào nhà”. Người An Khánh thì trong ngày Tết, trước khi ăn cơm họ sẽ ăn trước bát mì. Sợi mì được hình dung như “dây tiền”. Còn người dân ở Hợp Phì của tỉnh này thì lại giữ phong tục ăn “Đậu chân gà” trong ngày Tết với mong muốn “giữ được tiền tài”. Người chủ gia đình phải ăn một cái đùi gà, ngụ ý là “kiếm được tiền”, mong cho năm mới tiền vào như nước.

leftcenterrightdel
Người Trung Quốc thường chế biến cá nguyên con trong ngày Tết với hàm ý mong một năm mới đầy đủ, sung túc. 

Cũng các món ăn về gà, nhưng khác với Hợp Phì, một số nơi ở Hồ Bắc, người dân ăn canh gà để hy vọng một năm mới vui vẻ bình an. Ngoài ra, lực lượng lao động chính trong nhà còn ăn món chân gà. Người ta mượn sự đồng âm của từ “ăn chân gà” để ngụ ý cho một năm mới sẽ có nhiều tiền. Đối với các em nhỏ thì nên ăn cánh gà để được “bay cao bay xa”. Những người khác trong gia đình lại ăn xương gà, với hàm ý sẽ thành người vượt trội, xuất sắc hơn người. Vùng Đông Bắc của tỉnh này lại có tục lệ rất độc đáo: “Tam hấp”, “Tam cao”, “Tam hoàn”. “Tam hấp” bao gồm: Cá hấp cả con, vịt hấp cả con, gà hấp cả con. “Tam cao” đó là: Chả cá, chả thịt, chả dê. Cá viên, thịt viên và ngó sen viên gọi là “Tam hoàn”

Không giống với Hồ Bắc, người dân Cáp Nhĩ Tân thường chế biến khoảng từ 10 đến 16 món ăn trong mâm cơm Tết. Nguyên liệu chính là gà, vịt, cá, thịt và các loại rau. Cũng với nguyên liệu chính là gà, vịt, cá, thịt và các loại rau, nhưng bữa cơm tất niên ở Cán Nam thường cố định 12 món. Còn một số nơi ở Triết Giang lại sắp xếp cho đủ “10 bát lớn” với hàm ý “Thập toàn thập phúc”.

Mâm cơm Tết của người Nam Xương, tỉnh Giang Tây thường có hơn 10 món, trong đó có 8 món chính và 2 món canh. Các món ăn thường đảm bảo yếu tố bốn món lạnh và bốn món nóng.

Điểm chung trong mâm cơm ngày Tết ở mỗi nơi đều có một hoặc một vài món bắt buộc và những món ăn đó thường mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp. Trong cái chung ấy, các vùng miền lại luôn giữ cho mình những điều độc đáo, tạo nên bản sắc riêng.

Với vùng Tô Châu, trên mâm cơm bắt buộc phải có rau xanh, còn gọi là “rau an lạc”,  giá hay còn gọi là “rau như ý”. Họ ăn rau cần với ý nghĩa một năm “cần cù chăm chỉ”. Cũng có tục lệ ăn rau cần, xong một số nơi ở Giang Tô, Triết Giang còn có thêm rau hẹ, măng.

Vùng Nam Trung Bộ của tỉnh Hồ Nam bắt buộc phải có một con cá chép khoảng 1kg được gọi là “Đoàn niên ngư” và một miếng thịt chân giò khoảng 3kg, gọi là “chân giò đoàn niên”. Ngoài ra, một số nơi khác tại tỉnh này người ta bắt buộc ăn món bánh gạo, với ý nghĩa là “năm sau sẽ tốt hơn năm trước”. Còn đối với người dân ở vùng Nam Xương, ngoài món bánh gạo ra còn có các món cố định là: Cá kho, mì xào, cơm bát bảo, chè kho. Trong khi đó, một bộ phận nhỏ người Miêu trong bữa cơm đầu tiên họ lại  ăn bánh chưng và uống rượu vang. Họ cho rằng, đó là những món ăn sẽ mang lại cho họ một cuộc sống ngọt ngào và quanh năm được mùa.

Còn ở thủ phủ Sa Thị của Kinh Châu, bữa cơm đầu tiên trong năm mới nhất định phải ăn trứng gà. Họ cho rằng đây là món ăn mang ý nghĩa chân thành, không khoa trương và một năm mới nhiều điều may mắn, như ý. Nếu khách đến nhà chơi thì nên ăn hai quả trứng ốp lết, loại có thể xuyên qua lòng trắng nhìn thấy lòng đỏ. Ý nghĩa của việc này là: “Vàng lồng trong bạc, vừa có vàng vừa có bạc”.

Đối với một số nơi ở vùng Quảng Đông, bữa cơm đầu tiên trong năm mới họ sẽ chuẩn bị “Vạn niên lương”.  Tức là làm đầy đủ số món ăn cho cả gia đình trong ba ngày Tết để mong cho “một năm mới không phải lo lắng tới cái ăn”. Ở vùng Triều Châu, bữa cơm Tết đầu tiên người ta thường ăn món hủ viên được làm từ mì và củ cải khô,  uống “nước ngũ quả” từ hạt súng, hạt sen, với ngụ ý cuộc sống sẽ luôn luôn ngọt ngào. Trong khi đó, người dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây lại ăn đồ ngọt, với mong muốn một năm mới nhiều điều tốt đẹp, ngọt ngào như ý.

Giống như người An Khánh, người Mân Nam của tỉnh Phúc Kiến có thói quen ăn mì trong bữa cơm đầu tiên của năm mới, tuy nhiên không phải mang ý nghĩa là “dây tiền” mà họ mong muốn “mãi mãi bên nhau”. Còn người dân ở vùng Chương Châu của tỉnh này lại ăn xúc xích, trứng muối và gừng, với ngụ ý là “mỗi ngày thêm một vận may”.

Với vùng Quan Trung và một số nơi ở Hà Nam, bữa cơm đầu tiên trong năm mới thường ăn món ăn nấu lẫn giữa sủi cảo và mì, hay còn gọi là “Kim tơ xuyên nguyên bảo”, “Ngân tuyến treo hồ lô”, thể hiện mong muốn một năm mới nhiều tài nhiều lộc. Còn miền Nam của tỉnh này, bữa cơm giao thừa thường ăn kéo dài đến nửa đêm. Khi tiếng chuông báo hiệu năm mới bắt đầu thì người ta sẽ bê lên một đĩa cá, với ngụ ý là “niên niên dư thừa”. Sáng mồng Một sẽ nấu lẫn sủi cảo và mì để ăn, mì tượng trưng năm mới phát tài.

Bữa cơm đầu tiên trong Tết của Đài Loan thường ăn “Trường niên thái” tức là dưa cải, đây là loại lá thân dài, có vị đắng. Có nơi còn có những sợi miến dài kèm theo, với ngụ ý “trường sinh bất lão”.

leftcenterrightdel
Bánh gạo là món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết của người Trung Quốc.

Người Thượng Hải lại ăn bánh trôi, bánh gạo, bánh tổ ong, bánh hạt đào vào mồng Một Tết với ngụ ý là “mỗi năm một tốt hơn”, “từng bước cao hơn”. Ngoài ra, ăn giá hay còn gọi là “rau như ý” tượng trưng cho vạn sự như ý,  dùng đậu tằm ngâm thành giá đậu, có ngụ ý là phát tài.

Giao thừa tại Tứ Xuyên thường ăn lẩu, sáng Mồng Một người dân ăn bánh trôi, tượng trưng cho sự đoàn viên.

Nét độc đáo trong ẩm thực ngày Tết của từng vùng miền đã tạo nên sự phong phú đa dạng trong mâm cơm ngày Tết của người Trung Quốc. Những món ăn ấy khiến cho những người con dù đi xa muôn nơi vẫn mong ngóng quay về đoàn tụ cùng gia đình bên mâm cơm ngày Tết, để hít hà, tận hưởng những hương vị quê hương đậm đà, ấm cúng.

TƯỜNG VY (tổng hợp)