Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa, Nhật Bản là đối tác chiến lược gần gũi nhất của EU tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong môi trường quốc tế đang chịu nhiều thách thức, mối quan hệ đối tác này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, Hội nghị thượng đỉnh EU-Nhật Bản là cơ hội để hai bên khẳng định quyết tâm tăng cường hợp tác dựa trên các giá trị chung, đưa mối quan hệ song phương lên mức độ sâu sắc hơn.

Trong khuôn khổ hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, đại diện cho EU, đã gặp Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru. Các nhà lãnh đạo tập trung thảo luận về cách thức tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực then chốt từ quốc phòng, an ninh, kinh tế, công nghệ, chuỗi cung ứng tới ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Tokyo và Brussels cũng chia sẻ quan điểm về những vấn đề toàn cầu như xung đột ở Ukraine, Trung Đông hay tình hình an ninh tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Kết thúc hội nghị, hai bên thông qua một tuyên bố chung và khởi động một “liên minh năng lực cạnh tranh” mới. Liên minh này sẽ tăng cường hợp tác và phối hợp chính sách trong nhiều vấn đề, bao gồm thúc đẩy năng lực cạnh tranh theo hướng chiến lược, phục hồi chuỗi cung ứng...

Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa (ngoài cùng, bên trái), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (ngoài cùng, bên phải) và Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru tại Tokyo, ngày 23-7. Ảnh: Reuters

Hội nghị thượng đỉnh EU-Nhật Bản diễn ra trong một môi trường địa chính trị và kinh tế toàn cầu đầy thách thức. Cả EU và Nhật Bản đều phải đối mặt với các mức thuế quan mới từ Mỹ, tạo ra một động lực chung để đa dạng hóa các đối tác thương mại và củng cố khả năng tự chủ chiến lược. Đây cũng là lý do chương trình nghị sự của hội nghị được xây dựng dựa trên 3 trụ cột chính: An ninh kinh tế; khả năng cạnh tranh, quốc phòng, an ninh và duy trì trật tự đa phương, hợp tác chuyển đổi xanh.

Có thể thấy, hợp tác kinh tế chiếm ưu thế trong mối quan hệ đối tác chiến lược EU-Nhật Bản và cũng là trụ cột được chú trọng tại hội nghị. Việc hai bên ngày càng xích lại gần nhau, ưu tiên thúc đẩy hợp tác kinh tế là điều dễ hiểu khi căng thẳng thương mại trên toàn cầu đều gây tổn hại nhất định đến lợi ích của cả Nhật Bản lẫn EU. "Chúng ta đang chứng kiến căng thẳng thương mại và bất ổn gia tăng, ngay cả giữa các đối tác lâu năm. Với các đối tác chiến lược như châu Âu và Nhật Bản, điều này nghĩa là cần đưa mối quan hệ của chúng ta gần gũi hơn nữa để đáp ứng thực tế của thời đại và định hình tương lai", bà Ursula von der Leyen phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Nikkei.

Nhật Bản và EU có sự tương đồng về lợi ích chiến lược và tầm nhìn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Cả hai đều hướng tới tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy sự tự do, cởi mở, dân chủ và thượng tôn pháp luật ở khu vực này. Trong tuyên bố chung sau hội nghị, hai bên khẳng định sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác ở mọi phương diện, lấy Hiệp định đối tác chiến lược EU-Nhật Bản và Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) làm nền tảng pháp lý; đồng thời tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, thúc đẩy các nỗ lực hợp tác nhằm mục đích bảo đảm sân chơi bình đẳng cho tất cả các quốc gia.

Hội nghị thượng đỉnh EU-Nhật Bản lần này có một điểm đáng chú ý đó là việc cả Tokyo và Brussels đều nhận thức rõ thay vì hành động đơn lẻ và bị kẹp giữa các siêu cường, họ có thể hợp lực để tạo ra một khối có trọng lượng tương đương, có khả năng định hình các quy tắc và cân bằng ảnh hưởng với cả cường quốc khác trên thế giới. Bằng cách kết hợp sức mạnh kinh tế, công nghệ và quy chuẩn, họ đang tạo ra một "trung tâm quyền lực" thứ ba và đây có thể là bước ngoặt để hai bên cùng hợp tác phát triển trong thời kỳ biến động hiện nay.

HÙNG HÀ

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.