Theo Kyodo News, các điểm bỏ phiếu bắt đầu mở cửa lúc 7 giờ và đóng cửa vào 20 giờ cùng ngày, ngoại trừ các khu vực đảo xa xôi, với 44.000 điểm bầu cử trên khắp Nhật Bản. Thống kê cho thấy, hơn 21 triệu cử tri Nhật Bản đã đi bỏ phiếu sớm, chiếm hơn 20% tổng số cử tri đã đăng ký. Kết quả bầu cử sơ bộ dự kiến được công bố vào đêm muộn.

Thượng viện Nhật Bản gồm 248 ghế, với 1/2 trong số đó sẽ được bầu lại sau mỗi 3 năm. Để giành đa số tối thiểu, liên minh cầm quyền Đảng Dân chủ Tự do (LDP) và Đảng Công minh (Komeito) dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Ishiba cần ít nhất 125 ghế. Điều đó có nghĩa là, với 75 ghế hiện có không nằm trong số ghế phải bầu lại, liên minh LDP-Kometo cần giành thêm 50 ghế trong cuộc bầu cử Thượng viện lần này. Con số 50 ghế tuy không phải quá cao, song lại là mục tiêu khó khăn, trong bối cảnh nhiều cử tri Nhật Bản bày tỏ không hài lòng với cách điều hành của chính phủ thời gian qua, khiến Nhật Bản đối mặt với chi phí sinh hoạt tăng cao, suy giảm dân số và an sinh xã hội, cùng hàng loạt vấn đề liên quan đến người nhập cư.

Cử tri Nhật Bản đi bỏ phiếu tại một điểm bầu cử ở thủ đô Tokyo, ngày 20-7. Ảnh: Reuters 

AP nhận định, “một màn trình diễn kém cỏi” của liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử, nếu xảy ra, sẽ không ngay lập tức dẫn đến thay đổi chính phủ vì Thượng viện Nhật Bản không có thẩm quyền đệ đơn bất tín nhiệm đối với Thủ tướng, song điều này chắc chắn sẽ làm lung lay vị thế chính trị của ông Ishiba cũng như làm gia tăng bất ổn ở xứ phù tang. Trong trường hợp đó, Thủ tướng Ishiba có thể phải đối mặt với những lời kêu gọi từ chức từ nội bộ đảng LDP hoặc tìm kiếm một đối tác liên minh khác. Lần gần nhất chính phủ do LDP dẫn dắt mất đa số ghế tại Thượng viện là vào năm 2007, trong nhiệm kỳ đầu tiên của Thủ tướng khi đó là ông Abe Shinzo, người đã từ chức ngay sau cuộc bầu cử.

“Giá cả leo thang, thu nhập trì trệ và gánh nặng chi trả an sinh xã hội là những vấn đề hàng đầu đối với những cử tri đang thất vọng và túng thiếu”, AP bình luận. Theo trang tin, những cử tri thất vọng “đang nhanh chóng chuyển sang các đảng dân túy mới nổi”, trong đó đáng chú ý là Đảng Sanseito nổi bật với lập trường cứng rắn chống người nhập cư, với cương lĩnh "Nhật Bản trên hết" bao gồm các quan điểm chống vaccine, chống toàn cầu hóa và ủng hộ các vai trò giới tính truyền thống. Với Đảng Dân chủ Lập hiến, lực lượng đối lập lớn nhất, mục tiêu của đảng này là “tước bỏ quyền kiểm soát đa số tại Thượng viện của phe cầm quyền” và tạo động lực cho nỗ lực thay đổi chính phủ.

Các biện pháp nghiêm ngặt hơn nhắm vào cư dân và du khách nước ngoài cũng nổi lên như một vấn đề chính sách “nóng” được cử tri quan tâm. Quốc gia Đông Bắc Á-vốn đang đối mặt với tình trạng dân số giảm sút-gần đây đã thúc đẩy các chính sách tiếp nhận thêm lao động nước ngoài. Theo Cơ quan Dịch vụ di trú, số lượng cư dân nước ngoài tại Nhật Bản vào cuối năm 2024 đạt mức kỷ lục 3,77 triệu người, tăng 10,5% so với năm trước đó. Trong khi lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản trong năm 2024 cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại: 36,9 triệu người. Sự gia tăng đột biến người nước ngoài dù đem lại nhiều lợi ích về kinh tế song cũng làm nảy sinh nhiều xung đột về văn hóa, đưa đến mối lo ngại về dòng người nhập cư trong tương lai.

Theo giới phân tích, một kết quả yếu kém của liên minh cầm quyền trong cuộc bầu cử lần này, nếu nó diễn ra, có thể làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư vào nền kinh tế lớn thứ tư thế giới và làm gián đoạn các cuộc đàm phán thương mại quan trọng với Mỹ. Ngay sau bầu cử, Nhật Bản phải đối mặt với thời hạn chót là ngày 1-8 để đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ, nếu không, xứ phù tang sẽ phải đối mặt với việc bị áp thuế cao ở mức 25% tại thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình.

HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.