Từ đồng minh thành kình địch

Mối quan hệ giữa Israel và Iran bắt đầu khá tốt đẹp. Sau khi Nhà nước Do Thái thành lập năm 1948, dựa trên nền tảng là mối quan hệ ngoại giao thân thiết với Mỹ ở giai đoạn đó, Iran coi Israel là đối tác thân thiện, thậm chí là đồng minh dưới thời Quốc vương Mohammad Reza Pahlavi. Khi ấy, Iran trở thành quốc gia có đa số dân theo Hồi giáo thứ hai công nhận Israel vào năm 1950, sau Thổ Nhĩ Kỳ.

Đối đầu Israel-Iran đang khiến tình hình an ninh tại khu vực Trung Đông thêm căng thẳng. Ảnh: Al Arabiya

Sau cuộc Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979, tình hình “đảo chiều” khi chính quyền Quốc vương Mohammad Reza Pahlavi bị lật đổ. Sau khi trở thành lãnh tụ tối cao Iran, ông Ayatollah Khomeini hủy bỏ mọi thỏa thuận với Israel, lên án Nhà nước Do Thái là một thế lực đế quốc ở Trung Đông. Từ đó, Iran được cho là hỗ trợ các lực lượng quân sự bên ngoài lãnh thổ thường xuyên chống lại Israel.

Ngược lại, Israel từ lâu coi chương trình hạt nhân Iran là mối đe dọa trực tiếp và Nhà nước Do Thái được cho là đã đứng sau một chiến dịch phá hoại chương trình hạt nhân của Tehran. Thậm chí, các quan chức Israel nhiều lần ngụ ý rằng nếu Iran đạt đến khả năng chế tạo vũ khí hạt nhân, họ sẽ tấn công cơ sở hạt nhân của nước này bằng không quân, như đã làm với Iraq vào năm 1981 và Syria vào năm 2007.

Khi đối đầu Israel-Iran “bước ra ánh sáng”

Trong những thập kỷ qua, Israel và Iran đã tiến hành một cuộc chiến “trong bóng tối”. Trong đó, Israel cáo buộc Iran đã có những hoạt động ngầm gây sức ép lên biên giới phía Bắc nước này từ Syria và Lebanon, can dự ở Biển Đỏ và dải Gaza. Bức tranh an ninh Trung Đông trở nên bất ổn hơn sau cuộc đột kích của Hamas vào Israel vào tháng 10-2023, kéo theo việc Nhà nước Do Thái tiến hành chiến dịch quân sự quy mô lớn ở dải Gaza. Hezbollah và Houthi tuyên bố ủng hộ Hamas và tiến hành các hoạt động nhắm vào lợi ích của Israel.

Hệ thống phòng không của Israel đánh chặn tên lửa Iran tấn công vào lãnh thổ Israel ngày 1-10. Ảnh: Reuters

Cuối cùng, Israel và Iran cũng chính thức có hành động quân sự trực tiếp nhằm vào nhau. Cụ thể, vào đầu tháng 4 vừa qua, Israel bị cáo buộc phóng tên lửa vào tòa lãnh sự của Iran ở thủ đô Damascus, Syria, khiến 7 thành viên lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) và 6 người Syria thiệt mạng. Sau gần 2 tuần, Iran tiến hành cuộc tấn công trực tiếp đầu tiên nhằm vào quốc gia Do Thái để trả đũa. 

Căng thẳng Israel-Iran lại gia tăng sau khi thủ lĩnh chính trị Hamas là Ismail Haniyeh bị sát hại vào tháng 7 khi đang thăm Iran, Tehran đã cáo buộc Israel thực hiện kế hoạch ám sát này. Sau đó, vào cuối tháng 9, Israel đã ám sát thủ lĩnh Hassan Nasrallah của Hezbollah, đồng minh khu vực được Iran coi trọng và tấn công trên bộ vào miền Nam Lebanon nhằm chống lại lực lượng này. Để trả đũa, Iran phóng khoảng 200 tên lửa các loại vào Israel ngày 1-10. Đáp lại, rạng sáng 26-10, Israel thông báo tiến hành cuộc tấn công vào các mục tiêu quân sự ở Iran và cho biết đây là phản ứng trước việc Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này liên tục tấn công Israel kể từ ngày 1-10.

Hezbollah trong căng thẳng Israel-Iran

 Vị thế của Hezbollah tăng lên sau cuộc chiến năm 2006 với Israel. Cuộc chiến kết thúc sau 34 ngày giao tranh dữ dội và cả hai bên đều tuyên bố chiến thắng. Ở Lebanon và thế giới Arab, Hezbollah được ca ngợi vì đã chống lại Israel.

Hezbollah sở hữu kho vũ khí đáng kể trong khu vực. Ảnh: Middle East Institute  

Kể từ khi Hamas tấn công Israel từ dải Gaza vào tháng 10-2023, Hezbollah bày tỏ sự đoàn kết với Hamas bằng cách bắn tên lửa, đạn cối và rocket vào Israel gần như hằng ngày, khiến Israel phải đáp trả. Với lực lượng chiến đấu và kho vũ khí đáng kể, bao gồm tên lửa tầm xa và tên lửa dẫn đường chính xác, Hezbollah được coi là lực lượng quan trọng thông qua đó Iran có để thể hiện ảnh hưởng ở Trung Đông và đặc biệt là nhắm vào Israel. 

Những mặt trận khác trong đối đầu Israel-Iran

Đầu tiên là Syria. Thời gian qua, Iran đã xây dựng sự hiện diện quân sự tại quốc gia này và hỗ trợ Hezbollah bằng cách tạo ra một cầu nối trên bộ để chuyển vũ khí từ Iran qua Iraq và Syria. Đối với Israel, họ đã tiến hành các cuộc không kích vào lãnh thổ Syria nhằm vào các chuyến hàng vũ khí và các mục tiêu khác mà họ cho là có liên quan đến Iran và các đồng minh của nước này.

Bản đồ khu vực, với màu vàng thể hiện những nơi có các lực lượng được cho là do Iran hậu thuẫn chống lại Israel. Ảnh: Mapbox 

Thứ hai là vùng biển trong khu vực. Các cuộc tấn công trả đũa vào tàu thương mại bắt đầu vào năm 2019. Mặc dù cả Israel và Iran đều không nhận trách nhiệm về các vụ tấn công vào các tàu nhưng giới quân sự vẫn cho rằng họ đứng đằng sau các vụ việc này. Các mục tiêu bị tấn công bao gồm tàu chở dầu của Iran chở dầu đến Syria và các tàu chở hàng thuộc sở hữu hoặc có liên quan đến Israel.

Thứ ba là Yemen. Lực lượng Houthi, kiểm soát vùng Tây Bắc Yemen kể từ khi cuộc nội chiến nổ ra ở nước này vào năm 2014, gần đây thường xuyên tấn công tàu hàng có liên quan đến Israel, Mỹ và Anh trên Biển Đỏ để thể hiện sự đoàn kết với Hamas. Lực lượng này cũng đã phóng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) vào Israel. Hầu hết đã bị đánh chặn, nhưng 1 UAV của Houthi đã khiến 1 người đàn ông ở Tel Aviv thiệt mạng vào tháng 7 vừa qua. Israel đã tiến hành các cuộc không kích trả đũa vào Yemen. Bên cạnh đó, khi Israel tăng cường chiến dịch chống lại Hezbollah ở Lebanon, Houthi đã nhanh chóng chứng tỏ là một nhân tố quan trọng trong cuộc xung đột phức tạp đang làm rung chuyển Trung Đông.

Thứ tư là Iraq. Cáo buộc các nhóm ly khai ở khu tự trị Kurdistan của Iraq hợp tác với các cơ quan an ninh nước ngoài chống lại mình, Iran đã tiến hành nhiều cuộc tấn công vào khu vực này kể từ cuối năm 2022. Theo nhiều báo cáo, trước đây Israel đã sử dụng các cơ sở ở khu vực này để thu thập thông tin tình báo về Iran.

MINH ANH (theo Bloomberg)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.