Trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU) đang đối mặt nhiều khó khăn và thách thức, cuộc bầu cử quốc hội tại Italy được đánh giá là khốc liệt giữa các đảng phái chính trị, thu hút sự quan tâm, chú ý của EU và hầu hết cộng đồng quốc tế.
Bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, sự hỗn loạn đồng euro và cuộc khủng hoảng người di cư nhưng Italy đã nỗ lực để vượt qua những khó khăn trên vào năm 2021. Italy đã có tăng trưởng kinh tế, tái tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và khôi phục uy tín trên trường quốc tế thể hiện bằng việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Venice tháng 10-2021. Tuy nhiên, sự từ chức của Thủ tướng Mario Draghi, tác giả của “phép màu Italy” hồi tháng 7 vừa qua, đã đẩy đất nước “hình chiếc ủng” một lần nữa rơi vào khủng hoảng chính trị. Trước tình hình trên, Tổng thống Italy Sergio Mattarella thông báo giải tán quốc hội, mở đường cho các cuộc bầu cử sớm vào ngày 25-9.
 |
Bà Giorgia Meloni cùng các thành viên trong Liên minh trung hữu tham gia vận động tranh cử ngày 22-9. Ảnh: AFP |
Khác với thông lệ hơn 100 năm qua, đây là lần đầu tiên Italy quyết định tổ chức bầu cử quốc hội vào tháng 9. Đây cũng là lần đầu tiên những công dân Italy trong độ tuổi 18-25 được chính thức tham gia bầu cử các đại diện của mình ở cả thượng viện, ngoài việc được đi bầu hạ viện. Một điều chỉnh rất quan trọng khác, cũng được Italy áp dụng lần đầu tiên, đó là giảm số lượng đại biểu quốc hội. Trong đó, số lượng hạ nghị sĩ và thượng nghị sĩ từ nhiệm kỳ tới sẽ chỉ còn lần lượt là 400 và 200 người, thay vì số lượng tương ứng trước đây là 630 và 315 người. Cơ hội trúng cử thu hẹp khiến cho mức độ cạnh tranh càng quyết liệt hơn, không chỉ giữa các liên minh và đảng chính trị mà ngay cả trong nội bộ liên minh và từng đảng cụ thể.
Cuộc bầu cử quốc hội ở Italy lần này diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế nước này nói riêng, EU nói chung đang chìm trong “bóng đen” khủng hoảng năng lượng do tác động của cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Đồng euro yếu hơn đồng USD, lạm phát gia tăng đã đẩy nợ công của Italy tăng lên mức cao chưa từng thấy. Báo cáo tháng 8-2022 của Ngân hàng trung ương Italy cho biết, nợ công của nước này đã lên tới 2.766 tỷ euro (2.812 tỷ USD) và là mức cao nhất từ trước đến nay. Tỷ lệ thất nghiệp ở Italy hiện nay là 7,9%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ thất nghiệp của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Bên cạnh đó, Italy đang phải đối mặt với tình trạng dân số giảm, dự báo chỉ có 47,7 triệu người vào năm 2070. Được mệnh danh là “Nhật Bản của châu Âu”, Italy dự báo số người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 34,9% dân số vào năm 2050, tăng từ mức 23,5% vào năm 2021; trong khi độ tuổi trung bình sẽ tăng từ 45,9 lên 50,6 trong cùng giai đoạn. Đây là những thách thức không nhỏ mà chính phủ tương lai của Italy phải đối mặt.
Các cuộc thăm dò trước thềm cuộc bầu cử quốc hội cho thấy, Đảng Anh em Italy (FdI) do bà Giorgia Meloni đứng đầu sẽ giành được nhiều phiếu nhất, từ 23% đến 26% số phiếu bầu. Theo AFP, FdI từ một đảng đối lập trong quốc hội đã trở thành nhân tố chính dẫn dắt và củng cố sức mạnh cho liên minh trung hữu. FdI giữ vai trò nòng cốt, phối hợp với hai đồng minh lớn khác là Liên đoàn (Lega) và Tiến lên Italy (Forza Italia), đang giúp liên minh trung hữu giành được khoảng 45% sự ủng hộ của cử tri. Ngược lại, tỷ lệ ủng hộ dành cho liên minh trung tả dưới sự dẫn dắt của Đảng Dân chủ (PD) đang dừng ở mức 30%, trong khi mức ủng hộ cho khối trung dung, gồm Đảng Hành động và Đảng Italia Viva, là khoảng 6,4%.
Báo chí châu Âu nhận định, với những cố gắng tập hợp, liên kết lại để tận dụng lợi thế hiện có, liên minh trung hữu nhiều khả năng sẽ giành chiến thắng và bà Giorgia Meloni có khả năng sẽ trở thành nữ chính trị gia đầu tiên vươn lên vị trí điều hành toàn bộ cơ quan hành pháp của Italy trong thời gian tới. Dự kiến trong đêm 25-9, số liệu đầu tiên về cuộc bầu cử sẽ bắt đầu được hé lộ trước khi Bộ Nội vụ Italy đưa ra những công bố chính thức.
BÌNH NGUYÊN