Ngày 10-7, tờ Evening Standard đưa tin Bộ trưởng Thương mại Penny Mordaunt, Bộ trưởng Tài chính Nadhim Zahawi, Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps cùng các cựu Bộ trưởng Y tế Jeremy Hunt và Sajid Javid là những gương mặt mới, thông báo tham gia ứng cử vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ, nâng tổng số ứng viên cho đến nay lên 9 người.
 |
Bộ trưởng Tài chính Nadhim Zahawi (bên trái) và Bộ trưởng Giao thông Grant Shapps thông báo tham gia ứng cử vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ tại Anh. Ảnh: National World
|
Trước đó, 4 nhân vật đã thông báo tham gia ứng cử là cựu Bộ trưởng Bình đẳng Kemi Badenoch, cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại của Hạ viện Tom Tugendhat và Bộ trưởng Tư pháp Suella Braverman. Giới phân tích nhận định ngoài những ứng cử viên hiện tại, một số nhân vật khác cũng có thể sẽ tham gia cuộc đua, trong đó có Ngoại trưởng Liz Truss. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace, một ứng viên được cho là tiềm năng, đã tuyên bố không tham gia và chỉ tập trung vào vai trò hiện tại.
Ngày 7-7 vừa qua, ông Boris Johnson đã thông báo từ chức lãnh đạo Đảng Bảo thủ, đồng nghĩa với việc từ chức Thủ tướng Anh, trong bối cảnh nhà lãnh đạo này vướng phải hàng loạt bê bối và đối mặt với làn sóng từ chức của hàng chục thành viên cấp cao trong nội các. Đảng Bảo thủ dự kiến sẽ thông báo lộ trình tìm người thay thế ông Johnson trong tuần này. Ông Johnson sẽ tiếp tục vai trò lãnh đạo Chính phủ Anh cho đến khi Đảng Bảo thủ bầu được lãnh đạo mới vào mùa thu tới. Các đại biểu trong đảng kỳ vọng quá trình bầu cử nội bộ gồm hai giai đoạn sẽ hoàn thành trước tháng 10. Trong giai đoạn đầu tiên, 358 thành viên Đảng Bảo thủ tại Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu thông qua nhiều vòng nhằm chọn ra 2 ứng cử viên. Trong giai đoạn thứ 2, hàng trăm nghìn thành viên của đảng trên cả nước sẽ tiến hành bỏ phiếu kín để chọn người chiến thắng.
Tuy nhiên, nhiều thách thức lớn đang chờ đợi người kế nhiệm ông Johnson. Tờ The New York Times cho biết, lạm phát ở Anh đã chạm ngưỡng 9,1%, mức cao nhất trong 4 thập niên qua, do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và cuộc xung đột tại Ukraine. Các gia đình Anh đang phải siết chặt chi tiêu khi tiền lương không bắt kịp tốc độ lạm phát. Thu nhập hộ gia đình dự kiến giảm 2% trong năm nay, sau khi được điều chỉnh theo lạm phát. Theo hãng dự báo và phân tích tình hình kinh tế Oxford Economics, đây là điều tồi tệ nhất kể từ năm 1945. Ngân hàng Trung ương Anh dự báo lạm phát có thể đạt 11% vào mùa thu, đồng bảng Anh đang mất giá và triển vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn yếu.
Trong khi đó, Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia Anh dự báo kinh tế đảo quốc sương mù sẽ khó có khả năng tăng trưởng trong năm nay và năm tới. Ông Jagjit S.Chadha, Giám đốc Viện Nghiên cứu kinh tế và xã hội quốc gia Anh cũng cho biết Brexit là một "đòn giáng chậm" vào nền kinh tế nước này, dẫn tới giảm tăng trưởng khi các rào cản thương mại xuất hiện. Nhiều công dân Liên minh châu Âu (EU) rời khỏi thị trường lao động Anh và những bấp bênh trong chính sách hậu Brexit đã khiến nhiều nhà đầu tư nản lòng. “Đây không phải là bức tranh sáng sủa mà Thủ tướng và nội các tiếp theo của Anh phải đối mặt”, tờ The New York Times dẫn lời ông Chadha.
Bên cạnh đó, người kế nhiệm ông Johnson cũng sẽ phải đối mặt với câu hỏi về khả năng cầm quyền của Đảng Bảo thủ. Theo một cuộc thăm dò do hãng YouGov thực hiện vừa qua, sự ủng hộ của các cử tri dành cho Đảng Bảo thủ đã giảm mạnh khi đảng này đang đối mặt với những rạn nứt nghiêm trọng. “Vấn đề đặt ra là ai sẽ có thể khôi phục các giá trị của Đảng Bảo thủ”, Giám đốc tổ chức nghiên cứu Onward của Anh Will Tanner viết trên trang mạng xã hội Twitter.
HOÀNG VŨ