Vậy là sau một loạt bê bối không thể chống đỡ, người đứng đầu Chính phủ Anh đã phải chấp nhận ra đi sau khi chứng kiến hơn 50 thành viên nội các chính phủ đệ đơn từ chức...
Trong bài phát biểu tuyên bố từ chức trước Văn phòng Thủ tướng ở số 10 phố Downing cùng ngày, ông Boris Johnson nêu rõ: “Rõ ràng ý nguyện của Đảng Bảo thủ là cần phải có một lãnh đạo mới, do đó sẽ có thủ tướng mới. Quá trình lựa chọn lãnh đạo mới nên bắt đầu ngay bây giờ và thời gian bầu sẽ được công bố vào tuần tới”. Ông bày tỏ "rất buồn khi phải từ bỏ công việc tốt nhất thế giới", đồng thời cho biết ông sẽ tiếp tục làm thủ tướng cho đến khi đảng tìm ra người thay thế. Trước khi thông báo từ chức, ông Johnson đã bổ nhiệm một số vị trí nhằm thay thế các thành viên đã ra đi.
 |
Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu tuyên bố từ chức trước số 10 phố Downing.Ảnh: Reuters. |
Trong bài phát biểu, ông Johnson cũng bày tỏ niềm tự hào về thành tựu của chính phủ do mình đứng đầu. Ông nhắc tới việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)-Brexit và cách đưa đất nước vượt qua đại dịch cũng như thành tích triển khai vaccine ngừa Covid-19 nhanh nhất châu Âu.
Ngoại trưởng Anh Liz Truss, một trong những người có khả năng kế nhiệm ông Johnson, cho rằng ông Johnson đã đúng khi từ chức. "Thủ tướng đã đưa ra quyết định đúng đắn. Chúng ta cần sự bình tĩnh và thống nhất ngay bây giờ để tiếp tục điều hành đất nước trong lúc lãnh đạo mới được chọn lựa”, bà nhấn mạnh.
Về phần mình, lãnh đạo Công đảng đối lập, ông Keir Starmer hoan nghênh quyết định của ông Johnson, song cho biết cần "thay đổi thực sự trong chính phủ". Ông cũng yêu cầu một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội, điều có thể dẫn tới một cuộc bầu cử sớm.
Theo Reuters, trước khi ông Johnson quyết định từ chức, hơn 50 quan chức trong Chính phủ Anh đã lần lượt đệ đơn từ chức để bày tỏ sự phản đối đối với đương kim thủ tướng. Nhiều nghị sĩ Anh cũng yêu cầu ông Johnson từ chức vì quyền lợi quốc gia và quyền lợi của chính Đảng Bảo thủ do ông lãnh đạo. Chỉ trong vòng 2 giờ, chính phủ của ông Boris Johnson chứng kiến sự ra đi của 8 bộ trưởng, đẩy ông vào thế bị cô lập, bất lực và sự ra đi là điều không thể tránh khỏi.
Trong suốt vài tháng qua, ông Boris Johnson vướng vào một loạt bê bối liên quan tới việc vi phạm các biện pháp hạn chế trong thời gian dịch Covid-19 và gần đây nhất là việc bổ nhiệm một nhà lập pháp vào vị trí quan trọng trong Đảng Bảo thủ sau khi được thông báo rằng ông này là đối tượng bị khiếu nại vì có hành vi quấy rối tình dục. Thủ tướng bị cáo buộc đã dối trá về vụ việc thăng chức cho ông Chris Pincher, người bị cáo buộc sàm sỡ hai người đàn ông trong khi say xỉn. Ông Johnson đã đưa ra lời xin lỗi nhưng nói dối rằng bản thân không biết về các cáo buộc đối với ông Pincher.
Sự ra đi của hai bộ trưởng quan trọng trong nội các là Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Y tế Sajid Javid hôm 5-7 đã mở màn cho cuộc khủng hoảng hiện nay trên chính trường Anh. Hai quan chức này khẳng định họ không thể dung thứ cho văn hóa bê bối đã đeo bám ông Johnson trong nhiều tháng qua, đặc biệt là liên quan tới vụ bê bối mở tiệc ở phố Downing giữa lúc Anh đang phong tỏa chống dịch Covid-19.
Theo CNN, bất chấp việc từ chức của hai quan chức trên, trước đó, Thủ tướng Johnson còn tuyên bố sẽ không từ chức và tiếp tục “chiến đấu”. Mặc dù ngày càng có thêm nhiều quan chức từ chức sau sự ra đi của Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Y tế, trong đó bao gồm Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Giao thông, ông Johnson vẫn cố bám trụ và chống đỡ bằng cách sa thải Bộ trưởng Nhà ở, Cộng đồng và Chính quyền địa phương Michael Gove sau khi ông Gove tới gặp thủ tướng để khuyên ông nên từ chức và đưa ra cảnh báo nội bộ đảng không còn ủng hộ ông. Thủ tướng Johnson cũng thể hiện quyết tâm tại vị bằng cách bổ nhiệm doanh nhân, Bộ trưởng Giáo dục Nadhim Zahawi làm Bộ trưởng Tài chính mới và bổ sung một số vị trí khác.
Trước những phản ứng của Thủ tướng Johnson, các nhà lập pháp Đảng Bảo thủ thậm chí đã thảo luận về việc thay đổi các quy tắc trong đảng và bỏ phiếu để phế truất ông nếu cần thiết. Ông Johnson đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sít sao hồi tháng trước và về cơ bản, việc vượt qua trở ngại này có thể giúp ông tránh khỏi một cuộc bỏ phiếu khác trong vòng 12 tháng tiếp theo. Nhưng một số nhà lập pháp trong Đảng Bảo thủ đã cố gắng thay đổi điều lệ đảng để rút ngắn thời gian miễn trừ này. Họ đã cố gắng thay đổi các quy tắc để có thể tổ chức một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm khác sớm hơn so với quy định hiện hành.
Thủ tướng Johnson đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử nhiều kịch tính vào năm 2019 và bắt tay điều hành Chính phủ Anh ở thời điểm đầy thử thách. Là người đại diện cho phong trào ủng hộ Brexit, ông Johnson đã nhanh chóng phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế, xã hội do những hệ lụy của Brexit mang lại. Không chỉ là những bê bối do các bước đi sai lầm trong quá trình điều hành chính phủ, ông còn bị chỉ trích không đủ khả năng giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt leo thang, trong bối cảnh người dân Anh phải chật vật đối phó với giá nhiên liệu và lương thực tăng cao.
Tờ “Times of London” cho biết, hàng loạt hành vi “thiếu trung thực” của Thủ tướng Johnson đã hoàn toàn ăn mòn một “chính phủ hiệu quả”. Những rối ren mới ngay trung tâm quyền lực của nước Anh diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái nhanh chóng, và một số nhà kinh tế cảnh báo rằng quốc gia này có thể rơi vào suy thoái.
XUÂN PHONG