Lâu nay, hơn 3 triệu người sống quanh hồ Titicaca dựa vào đây để đánh bắt cá, trồng trọt. Làn nước trong xanh khiến nó được ví như “biển trong đất liền”, là điểm thu hút nhiều du khách. Thế nhưng, những điều này đang đứng trước nguy cơ biến mất. Chính quyền khu vực cho hay, sản lượng diêm mạch (quinoa), khoai tây và yến mạch bị ảnh hưởng đáng kể. Kinh tế du lịch cũng bị giáng đòn nặng nề khi thuyền chở du khách mắc kẹt vì nước cạn. “Chúng tôi không biết sẽ làm gì cho tới tháng 12 vì nước hồ còn tiếp tục hạ xuống nữa”, CNN dẫn lời ông Nazario Charca, một cư dân sống bằng nghề đưa đón khách du lịch ở hồ Titicaca, buồn bã chia sẻ.

leftcenterrightdel
Một phần của hồ Titicaca đã khô cạn vì mực nước giảm mạnh. Ảnh: CNN 

Nằm ở độ cao 3.800m, Titicaca trở thành hồ cao nhất thế giới có độ sâu đủ an toàn cho tàu, thuyền qua lại. Tuy nhiên, độ cao của hồ khiến nước bị bốc hơi nhanh hơn. Mực nước hồ thay đổi theo từng năm, nhưng đợt nắng nóng kỷ lục vừa qua làm mực nước hồ giảm mạnh, dẫn tới tình trạng thiếu nước do hạn hán trở nên nghiêm trọng hơn.

Thống kê của Sở Khí tượng và Thủy văn thành phố Puno, Peru cho thấy, từ tháng 8-2022 tới 3-2023 (quãng thời gian những cơn mưa giúp bổ sung nước cho hồ), lượng mưa ở khu vực này thấp hơn 49% so với trung bình những năm trước. Theo kết quả một nghiên cứu dựa vào ảnh vệ tinh chụp trong giai đoạn 1992-2020, hồ Titicaca đang mất 120 triệu tấn nước mỗi năm, chủ yếu do thay đổi lượng mưa và dòng chảy. Nếu nước hồ tiếp tục bốc hơi với tốc độ như hiện nay, Titicaca sẽ trở nên khô hạn nhất kể từ năm 1996 trong vài tháng tới.

NGÂN ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.