Trong cuộc bầu cử Quốc hội Pháp hồi tháng 7 vừa qua, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân mới (NFP) gồm những người theo chủ nghĩa xã hội, cộng sản, Đảng Xanh và Đảng cánh tả nước Pháp bất khuất (LFI)-đã giành được nhiều ghế nhất, kiểm soát 193/577 ghế. Tiếp đến là Liên minh trung dung của Tổng thống Macron với 164 ghế. Trong khi đó, Đảng Tập hợp quốc gia (RN) cực hữu về thứ 3 với 143 ghế. Tuy nhiên, không có chính đảng nào giành được thế đa số để tự thành lập chính phủ. Bởi vậy, việc thành lập nội các mới là một bài toán cực kỳ nan giải đối với các phe phái cũng như Tổng thống Macron. Đến nay, các đảng phái vẫn đang bất đồng trong việc thống nhất lựa chọn một chính trị gia đảm nhiệm cương vị Thủ tướng. 

leftcenterrightdel

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (bên trái) và Thủ tướng Gabriel Attal- người đã đệ đơn từ chức hồi tháng 7 vừa qua.

Ảnh: AP

 

Ngày 23-7 vừa qua, liên minh các đảng cánh tả NFP thông báo đã nhất trí đề cử một chuyên gia kinh tế làm ứng cử viên Thủ tướng, đó là bà Lucie Castets, 37 tuổi. Tuy nhiên, Tổng thống Macron đã từ chối bổ nhiệm bà Castets làm Thủ tướng. Lý giải về quyết định của mình, Tổng thống Macron cho rằng một chính phủ được hình thành từ liên minh cánh tả NFP sẽ dẫn tới một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngay lập tức và khiến chính phủ sụp đổ. Người đứng đầu nước Pháp nói: "Một chính phủ như vậy sẽ ngay lập tức bị đa số nghị sĩ Quốc hội phản đối, ngăn cản chính phủ hành động. Theo quan điểm của các nhà lãnh đạo chính trị được tham vấn, sự ổn định về mặt thể chế của đất nước chúng ta có nghĩa là không nên theo đuổi lựa chọn này".

Tuy nhiên quyết định của Tổng thống Macron đã khiến ông nhận nhiều chỉ trích từ LFI và các thành viên Đảng Xanh, Đảng Cộng sản, Đảng Xã hội. Hiện LFI đang thu thập chữ ký đồng thuận nhằm luận tội và bãi nhiệm Tổng thống Macron. “Dự thảo nghị quyết khởi xướng thủ tục luận tội Tổng thống theo Điều 68 của Hiến pháp đã được gửi tới các nghị sĩ Quốc hội để thu thập chữ ký”, Mathilde Panot, lãnh đạo Đảng LFI tại Quốc hội Pháp viết trên mạng xã hội X hôm 31-8.

Dù vậy, theo Le Monde, bất kỳ nỗ lực nào nhằm luận tội Tổng thống Macron thông qua quy trình có nêu trong Điều 68 của Hiến pháp đều phải đối mặt với những rào cản lớn và quan trọng là đòi hỏi phải có 2/3 số thành viên của cả Hạ viện và Thượng viện chấp thuận.

Trong khi đó, nhằm phá thế bế tắc chính trị, ngày 26-8 vừa qua, Tổng thống Macron đã có cuộc gặp hiếm hoi với lãnh đạo Đảng RN cực hữu, bà Marine Le Pen, nhằm tìm kiếm một thỏa thuận về việc bổ nhiệm Thủ tướng. Ông Macron đã trì hoãn việc bổ nhiệm một thủ tướng mới để tìm kiếm một nhân vật có sự ủng hộ rộng rãi, người sẽ không bị lật đổ ngay lập tức trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm. Tuy nhiên, sức ép đối với ông ngày càng gia tăng trong bối cảnh chỉ còn hơn một tháng nữa là tới thời hạn trình dự thảo ngân sách năm 2025 cho chính phủ, vốn đang nợ nần chồng chất.

Theo một số chuyên gia, trong bối cảnh phức tạp và nan giải như hiện nay, cũng có khả năng Tổng thống sẽ tạm thời lập một "chính phủ kỹ thuật”, tức là một nội các chỉ gồm những chuyên viên, đứng đầu là một nhân vật có thể tạo được sự đồng thuận giữa các chính đảng trong Quốc hội. Dù vậy, “chính phủ kỹ thuật” như vậy chủ yếu chỉ “xử lý thường vụ”, chứ không thể đưa ra những dự luật quan trọng.

NGỌC HÂN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.