Mức sinh giảm thấp nhất trong lịch sử
Việt Nam bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 tạo cơ hội cho nền kinh tế bứt phá, phát triển nhanh. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt... Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, Việt Nam đang phải đối mặt với thách thức mới nảy sinh: Việc duy trì mức sinh thay thế vững chắc trên phạm vi toàn quốc chưa thực sự bền vững, mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, xuất hiện xu hướng mức sinh thấp.
|
|
Ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với mức sinh giảm thấp.
|
Theo báo cáo của Cục Dân số (Bộ Y tế), mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm dưới mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh năm 2023 là 1,96 con/phụ nữ. Đây là mức giảm thấp nhất từ trước tới nay và được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo. Xu hướng mức sinh thấp và xuống rất thấp tập trung ở một số đô thị, nơi có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển.
Theo vùng kinh tế - xã hội, hiện có 2/6 vùng là Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế. Theo các tỉnh, thành phố, đã có tới 21/63 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp, chiếm khoảng 39,37% dân số cả nước; hầu hết là những tỉnh nằm ở vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam, đô thị hóa cao, tăng trưởng kinh tế nhanh.
Mức sinh khu vực thành thị luôn thấp hơn mức 2 con/phụ nữ và gần như thay đổi không đáng kể trong gần hai thập kỷ qua (xoay quanh mức 1,7 - 1,8 con/phụ nữ). Mức sinh khu vực nông thôn giảm khá nhanh từ 2,57 con/phụ nữ (1999) xuống 2,2 con/phụ nữ (2019) và giảm xuống còn 2,07 con/phụ nữ (2023).
Liên quan đến mức sinh thấp, theo ông Phạm Vũ Hoàng, Phó cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), chỉ ra rằng, trình độ học vấn và hoàn cảnh kinh tế có liên quan đến mức sinh. Số liệu năm 2023 cho thấy, người giàu nhất có mức sinh trung bình là 2 con, người nghèo nhất có mức sinh là 2,4 con, người có mức sống khá và trung bình sinh từ 2,03 đến 2,07 con. Người có trình độ học vấn dưới tiểu học trung bình sinh tới 2,35 con, còn người có trình độ trên phổ thông trung học chỉ sinh 1,98 con. “Có thể thấy, mức sinh ngày càng giảm là do đô thị hóa, kinh tế phát triển, áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con”, ông Phạm Vũ Hoàng nói.
Bên cạnh đó, học vấn, điều kiện sống ngày càng được cải thiện khiến nhiều người có tâm lý muốn hưởng thụ, dành thời gian, tiền bạc cho các thú vui cá nhân mà không muốn sinh con. Theo ông Phạm Vũ Hoàng, nếu mức sinh cứ giảm với tốc độ như hiện nay mà không có các giải pháp để giảm bớt thì đến giai đoạn 2054 -2059, dân số Việt Nam sẽ tăng trưởng âm và giảm ngày càng nhanh.
Nhanh chóng có giải pháp hạn chế xu hướng mức sinh thấp
Nghị quyết số 21-NQ/TW, Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, nhấn mạnh: “Dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết vừa lâu dài; là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”.
Để thực hiện nhiệm vụ này, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, Việt Nam cần nghiên cứu, đề xuất các chính sách cụ thể ứng phó, ngăn chặn xu hướng giảm sinh nhằm bảo đảm vững chắc mức sinh thay thế của quốc gia. Cùng với đó, các địa phương trên cả nước cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chủ trương, chính sách, giải pháp của Đảng, Nhà nước về công tác dân số, nhất là giải pháp duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên phạm vi toàn quốc theo Chương trình Điều chỉnh mức sinh phù hợp với các vùng, đối tượng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quan điểm, kinh nghiệm thực thi các chính sách ứng phó với mức sinh thấp của các nước trên thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương là những bài học thực tế quý báu đối với Việt Nam trong quá trình xây dựng chính sách.
DIỆP CHÂU
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.