Theo đó, mẹ của Sam mất từ năm 1994 khi anh mới lên hai tuổi. Bố anh qua đời chỉ một năm sau đó, và rồi đến chị gái anh cũng không tránh khỏi số phận tương tự. Sam từng nghĩ rằng người thân mất vì ung thư và đột quỵ. Trong khi đó, cậu phải sống dưới ánh mắt dị nghị và sự xa lánh của hàng xóm, bạn bè. Cho tới tuổi thiếu niên, người đàn ông hiện 32 tuổi này mới biết sự thật khi ông bà mình kể lại. Mặt khác, kết quả điều tra có liên quan đến gia đình Sam vừa được Chính phủ Anh công bố đã đưa một bê bối ra ánh sáng.

Chuyện là ông Gary, bố của Sam, bị khó đông máu bẩm sinh và quyết định bổ sung Yếu tố VIII-một loại protein đông máu được tạo ra chủ yếu ở gan-tách từ huyết tương. Vào thời điểm ấy, Yếu tố VIII được ví như “thần dược” và bệnh nhân chỉ cần lấy một chai bột màu trắng trong tủ lạnh, trộn với nước cất và tự tiêm. Nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Nhiều lô chứa Yếu tố VIII nhiễm virus HIV hoặc viêm gan C do được sản xuất từ hàng nghìn mẫu huyết tương trộn lẫn với nhau, được các công ty dược mua từ những người hiến tặng có nguy cơ lây nhiễm virus truyền qua đường máu cao, như người tiêm chích ma túy, tù nhân và gái mại dâm. Ông Gary cũng không hay biết mình nhiễm HIV, rồi vô tình truyền bệnh sang vợ. Bà sinh một cô con gái nhiễm HIV và không qua khỏi sau khi chào đời 4 tháng, tiếp đến là Sam nhưng may mắn cậu âm tính với HIV.

Theo cơ quan phụ trách cuộc điều tra, bố của Sam nằm trong số hơn 30.000 người nhiễm các loại virus như HIV và viêm gan C sau khi bị truyền máu và sử dụng chế phẩm nhiễm mầm bệnh trong khoảng thời gian từ thập niên 1970 tới đầu những năm 1990. Trong số này, hơn 1.200 người nhiễm HIV. Đặc biệt, 2/3 số người nhiễm HIV đã tiến triển thành AIDS và tử vong trước khi thuốc kháng virus ra đời. Hiện thống kê cho thấy 3.000 người liên quan hoặc bị truyền nhiễm đã chết và sẽ còn nhiều người khác thiệt mạng.

Trong những năm đầu thập niên 1980, Anh thiếu Yếu tố VIII và tìm nguồn cung từ Mỹ. Hiến máu ở Anh là tự nguyện, nhưng ở Mỹ, các công ty dược được phép trả tiền cho người hiến huyết tương. Chính sách này thu hút tù nhân cũng như người sử dụng ma túy-những người muốn kiếm tiền nhanh và sẵn sàng nói dối về tiền sử bệnh. Kết luận của cuộc điều tra chỉ ra rằng, đã có một số lời cảnh báo từ các chuyên gia, song giới chức của Cơ quan y tế quốc gia Anh (NHS) cùng nhiều chính trị gia và công ty dược phẩm Anh khi đó đã gạt đi và tiếp tục cung cấp cho bệnh nhân những lô chứa Yếu tố VIII nhập khẩu từ Mỹ mà chưa được sàng lọc kỹ lưỡng cho đến ít nhất là năm 1985. Ngoài ra, máu cũng được thu thập từ các tù nhân ở Anh khiến bệnh nhân nhiễm viêm gan C. Thậm chí, cuộc điều tra nêu rõ nhiều người bị truyền máu dù không cần thiết và còn có bằng chứng cho thấy các quan chức y tế Anh nỗ lực che đậy vụ bê bối bằng cách tiêu hủy tài liệu vào năm 1993. Chính cựu Thủ tướng Anh Theresa May đã phát động cuộc điều tra vào năm 2017.

Bê bối “máu bẩn” trong quá khứ này đánh dấu thảm họa tồi tệ nhất lịch sử điều trị của NHS. Thủ tướng Rishi Sunak phải lên tiếng xin lỗi, gọi thời điểm công bố báo cáo là ngày đáng hổ thẹn với nước này, đồng thời cam kết sẽ bồi thường bằng bất cứ giá nào. Song sự tắc trách từ “những người có quyền hạn và được tin tưởng” đó đã và sẽ còn tiếp tục gây nên nỗi đau dai dẳng, khôn nguôi đối với các nạn nhân và gia đình họ. “Gia đình tôi bị xé nát. Tôi bị tước đoạt những người thân yêu”, Sam chua chát nói.

VĂN HIẾU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.