Nghị viện Anh mới đây đã thông qua Đạo luật An toàn Rwanda. Theo đạo luật này, người di cư trái phép vào nước Anh sẽ lập tức bị tạm giam chờ ngày bị trục xuất đến Rwanda. Tại đó, người di cư sẽ được phân loại và làm thủ tục xin tị nạn ở quốc gia châu Phi nếu không muốn trở về quê hương.

Thực tế, Anh đã đạt được thỏa thuận với Rwanda từ tháng 4-2022 để gửi những người di cư bất hợp pháp từ Anh đến quốc gia châu Phi này, nơi yêu cầu tị nạn của họ sẽ được xử lý. Thỏa thuận này có tên là Quan hệ đối tác phát triển kinh tế và di cư Anh-Rwanda, bao gồm một “thỏa thuận hợp tác về người tị nạn” kéo dài 5 năm. Vào tháng 12-2023, thỏa thuận đã được nâng cấp thành một hiệp ước chính thức được ký kết bởi Bộ trưởng Bộ Nội vụ Anh và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Rwanda.

leftcenterrightdel
Trẻ em Palestine lấy nước tại một trại tị nạn ở Rafah, phía Nam dải Gaza, gần biên giới Ai Cập. Ảnh: Arab News 

Theo trang web của Quốc hội Anh, để đổi lấy việc Rwanda tiếp nhận những người bị trục xuất, Chính phủ Anh sẽ chuyển cho quốc gia châu Phi một khoản tiền để tiếp nhận người di cư trái phép từ Anh. Cứ tiếp nhận một người di cư trái phép từ Anh, khoản tiền này sẽ lại nhân lên. Cụ thể, ban đầu Anh sẽ cung cấp 370 triệu bảng Anh tài trợ phát triển cho Rwanda. Tiếp nhận một người di cư trái phép từ Anh, Rwanda sẽ có thêm 20.000 bảng Anh. Với mỗi người trong số đó đủ điều kiện tị nạn, Anh sẽ thanh toán thêm khoản chi phí lên đến 150.000 bảng Anh. Ngoài ra, 120 triệu bảng Anh sẽ được rót tiếp nếu Rwanda tiếp nhận nhiều hơn 300 người di cư trái phép từ nước Anh. Tờ Financial Times ước tính chi phí cho kế hoạch chuyển người nhập cư bất hợp pháp từ Anh đến Rwanda có thể lên đến 3,9 tỷ bảng Anh (4,9 tỷ USD) trong vòng 5 năm. Tính đến nay, Anh đã trả cho Rwanda khoảng 240 triệu bảng Anh.

Mặc dù vậy, những chuyến bay vận chuyển người nhập cư trái phép từ Anh sang Rwanda đã không thể thực hiện trong vòng hai năm, do Tòa án Nhân quyền châu Âu và sau đó là Tòa án tối cao Vương quốc Anh ngăn chặn. Những người phản đối cho rằng kế hoạch trục xuất người xin tị nạn đến Rwanda là vô nhân đạo và Rwanda không phải là điểm đến an toàn. Chính phủ Anh đã sửa đi sửa lại dự luật, cho tới khi được Nghị viện Anh chấp thuận.

Với việc Đạo luật An toàn Rwanda được thông qua, từ nay, người nhập cư trái phép vào nước Anh sẽ bị tạm giam, chờ ngày bay sang Rwanda. Nếu đủ điều kiện, họ sẽ được phép định cư tại quốc gia châu Phi này, hoặc một nước nào đó khác, nhưng không phải là nước Anh.

Thủ tướng Anh Rishi Sunak tin rằng đây là giải pháp duy nhất đối với di cư trái phép, trong bối cảnh số lượng người nhập cư bất hợp pháp vào Anh thông qua eo biển Manche đã lên tới con số kỷ lục 5.435 người trong 3 tháng đầu năm 2024. Ngoài ra, nhà lãnh đạo Anh cũng kỳ vọng biện pháp này sẽ là lá bài thu hút cử tri, nâng cao uy tín của Đảng Bảo thủ trước thềm cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Đáng chú ý, biện pháp chuyển người di cư trái phép đến các quốc gia kém phát triển hơn đang được một số nước châu Âu áp dụng. Cụ thể, Italy mới đây đã ký một thỏa thuận song phương để xây dựng trại tiếp nhận và giam giữ người di cư tại Albania. Người di cư bất hợp pháp đến Italy bằng đường biển sẽ được đưa thẳng sang Albania trong thời gian chờ được Italy xét duyệt đơn xin tị nạn. Theo trang cmsny.org, Chính phủ Đức cũng đang đàm phán các thỏa thuận di cư song phương với Georgia, Moldova, Kenya, Colombia cùng một số quốc gia khác, để có thể gửi những người xin tị nạn đến đó.

Mỗi năm, có tới hàng trăm nghìn người từ Trung Đông, Bắc Phi, Tây Balkan tràn về bờ biển Italy, Hy Lạp để từ đó di chuyển đến các nước châu Âu khác. Thế nhưng, cánh cửa đến với “miền đất hứa” đang dần khép lại với họ. Nhiều nước châu Âu đã thực hiện các biện pháp cứng rắn để ngăn dòng người nhập cư trái phép đổ vào "lục địa già". Đa số các biện pháp này chỉ xử lý ngọn mà không giải quyết được gốc rễ của tình trạng di cư. Mới đây, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi và Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Volker Turk đã bày tỏ quan ngại về biện pháp trục xuất người di cư đến nước thứ ba. Họ cảnh báo điều này có thể tạo ra một tiền lệ nguy hiểm, tác động xấu đến việc chia sẻ trách nhiệm chung toàn cầu, các vấn đề về nhân quyền và bảo vệ người tị nạn.

HÀ HÙNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.