Ngày 5-9, Cơ quan Tị nạn Liên minh châu Âu (EUAA) công bố số liệu chính thức cho thấy số lượng người di cư nộp đơn xin tị nạn tại khối này gồm 27 nước thành viên cùng Thụy Sĩ và Na Uy trong nửa đầu năm nay đã tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo hãng tin Euractiv, trong 6 tháng đầu năm nay, EU cùng Thụy Sĩ và Na Uy đã tiếp nhận 519.000 đơn xin tị nạn. Trong một tuyên bố, EUAA nhấn mạnh: “Dựa trên xu hướng hiện tại, số lượng đơn đăng ký xin tị nạn có thể vượt quá 1 triệu vào cuối năm 2023”. Đây là mức cao nhất kể từ giai đoạn 2015-2016, khi EU chứng kiến làn sóng người tị nạn, chủ yếu là công dân Syria rời khỏi đất nước vì xung đột.

leftcenterrightdel
 Người tị nạn xếp hàng tại ga tàu điện ngầm ở Brussels (Bỉ).Ảnh: Getty Images 

Trong năm 2015, EU đã tiếp nhận 1,35 triệu đơn xin tị nạn. Năm 2016, con số này là 1,25 triệu đơn. Số lượng người nộp đơn đã giảm vào năm 2017, sau khi EU thực hiện thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hạn chế hoạt động vượt biên trái phép. Con số này thậm chí giảm đáng kể trong giai đoạn đỉnh của đại dịch Covid-19 (năm 2020 và 2021) khi các nước áp đặt hạn chế đi lại. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, số đơn xin tị nạn đang tăng trở lại. Riêng trong năm 2022, số đơn xin tị nạn đã tăng 53%, gây áp lực đối với nhiều quốc gia EU.

Người Syria và Afghanistan chiếm gần 1/4 số đơn xin tị nạn ở châu Âu từ đầu năm đến nay. Ngoài ra, người dân từ Venezuela, Thổ Nhĩ Kỳ, Colombia, Bangladesh và Pakistan cũng chiếm số lượng lớn đơn xin tị nạn ở “lục địa già”. Đức, quốc gia tiếp nhận hầu hết người tị nạn Syria trong giai đoạn 2015-2016, tiếp tục là điểm đến hàng đầu mà người xin tị nạn lựa chọn tại EU. Riêng trong nửa đầu năm 2023, nước này tiếp nhận tới 62% trong tổng số đơn xin tị nạn của người Syria tại EU. Trong khi đó, Tây Ban Nha là điểm đến chính của những người Venezuela xin tị nạn. 

Do sự gia tăng số lượng người xin tị nạn, nhiều nước châu Âu đang chịu áp lực phải xử lý đơn đăng ký. Khoảng 41% người nộp đơn đã nhận được quy chế tị nạn hoặc một hình thức bảo vệ khác. Bên cạnh những đơn xin tị nạn được phê duyệt, sẽ có nhiều trường hợp bị từ chối. Điều đáng lo ngại là nhiều khả năng họ sẽ tìm mọi cách để ở lại châu Âu. Tuần trước, Chính phủ Bỉ cho biết, nước này sẽ không cung cấp nơi ở cho những người đàn ông độc thân xin tị nạn. Quốc gia châu Âu này lập luận rằng, họ ưu tiên các hộ gia đình, phụ nữ và trẻ em do không đủ khả năng tiếp nhận người tị nạn.

Số người xin tị nạn gia tăng là một vấn đề ngày càng gây chia rẽ ở nhiều quốc gia châu Âu. Lo ngại về bất ổn an ninh, những người phản đối châu Âu tiếp nhận thêm người tị nạn cho rằng nên đưa ra các biện pháp cứng rắn hơn ở khu vực biên giới. Trong khi đó, nhiều người nói rằng, “lục địa già” nên tiếp tục chào đón những người chạy trốn khỏi khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị, bạo lực và xung đột... Hồi tháng 6 năm nay, EU đã đạt được thỏa thuận cho phép các quốc gia thành viên chấp nhận chia sẻ số người xin tị nạn. Các quốc gia không sẵn sàng tiếp nhận những người xin tị nạn sẽ phải đóng một khoản hỗ trợ tài chính lên tới 20.000 euro/người vào một quỹ do EU quản lý để hỗ trợ họ. Dù thỏa thuận này được coi là bước tiến quan trọng song vẫn chưa đủ khả năng giúp EU giải quyết thách thức từ làn sóng người xin tị nạn ngày càng gia tăng.

LÂM ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.