Đã lâu lắm rồi Dubai mới có mưa. Thế nhưng, chỉ vài giờ sau, mưa xối xả đã khiến mực nước ở ngoài phố dâng cao, biến Dubai trở thành một biển nước-điều mà người sống ở thành phố này gần nửa thế kỷ như ông chưa từng được chứng kiến.

“Khi chúng tôi đi ngủ, nước mới ngập đến mắt cá chân. Tới khi thức dậy, chúng tôi thấy nước cao tới thắt lưng. Chiếc xe ô tô mới mua cùng tủ lạnh và đồ đạc trong nhà dập dềnh trong nước lũ, nhìn thật thảm hại”, ông Haq nói. Cư dân Dubai này cho biết, vợ chồng ông và chú chó cưng đã mắc kẹt hơn hai ngày trong tầng hai của căn nhà, sống sót nhờ một ít bánh mì, đồ ăn nhẹ và vài chai nước, trước khi được thuyền của hàng xóm tới giải cứu. Ông nói thêm: “Đó là một tình huống thiên tai. Không ai chuẩn bị cho mức độ tàn sát này”.

Tàn tích tường đất dài 10 km chạy xuyên qua sa mạc phía bắc Peru. Ảnh: Gabriel Prieto 

Cũng như ông Haq, ông Ali Salem, 55 tuổi, cho biết ông bị mắc kẹt trong nhà ở quận Jumeirah cao cấp của Dubai kể từ khi mưa lớn xuất hiện. Suốt 4 ngày sau đó, ông phải sống trong cảnh không có nước và điện. “Tôi đã rút ra bài học. Một chiếc máy phát điện sẽ thực sự hữu ích trong hoàn cảnh này”, ông Salem nói.

Theo Trung tâm Khí tượng quốc gia UAE (NCM), một cơn bão kèm theo mưa lớn đã đổ bộ vào Dubai và nhiều khu vực khác của UAE từ tối 15-4, gây ra trận lụt chưa từng có tại đây trong vòng 75 năm qua. Dubai-thành phố đông dân nhất của UAE đã ghi nhận lượng mưa tương đương một năm chỉ trong 12 giờ, trong khi các khu vực xa hơn về phía Đông ghi nhận gần như lượng mưa tương đương hai năm trong vòng chưa đầy 24 giờ.

Trận lụt lịch sử khiến cuộc sống của nhiều người ở trung tâm tài chính và du lịch hào nhoáng Dubai gần như dừng lại. Đối với những cư dân như ông Haq hay ông Salem vốn đã quen với hình ảnh đô thị đầy nắng trên sa mạc của Dubai, hình ảnh thành phố chìm trong biển nước vì mưa bão vừa qua không khác nào ngày tận thế. Thành phố này chưa từng chứng kiến một thảm họa thiên nhiên lớn như vậy và sự tàn phá mà nó để lại chỉ trở nên rõ ràng sau khi cơn bão tan đi. Theo thống kê, trận lũ lụt khiến 4 người thiệt mạng, đồng thời làm hư hại nhiều nhà cửa, cơ sở kinh doanh và các phương tiện giao thông. Hơn 10 ngày đã trôi qua, chính quyền UAE vẫn chưa thể công bố số liệu thiệt hại chính xác sau trận lụt khủng khiếp này.

Trong bối cảnh mưa lớn bất thường gây ngập lụt nghiêm trọng, nhiều cơ quan truyền thông và một số nhà quan sát cho rằng đây là hậu quả từ nỗ lực làm mưa nhân tạo của UAE. Tuy nhiên, trong thông cáo gửi tới truyền thông, NCM cho biết không có hoạt động gieo mây tạo mưa nào được thực hiện trước hay trong cơn bão vừa qua. Theo NCM, mưa bão tấn công UAE và nước láng giềng Bahrain vào đêm 15 và ngày 16-4 sau khi hoành hành ở Oman khiến 18 người thiệt mạng. Các chuyên gia khí tượng đánh giá, “rất có thể” tình trạng nóng lên toàn cầu đã khiến các cơn bão ở vịnh Persic trở nên nghiêm trọng hơn, gây nguy cơ lũ lụt cho các quốc gia vùng Vịnh.

Dubai vốn là thành phố có khí hậu khô nóng, chỉ có mưa 2-3 lần/năm, nên hạ tầng đô thị không xây dựng hệ thống thoát nước để đối phó với những trận mưa có quy mô lớn. Theo AP, việc nước không thoát được đã thành trở ngại lớn cho nỗ lực phục hồi ở quốc gia sa mạc này. Những con đường ngập nước khiến giao thông không thể hoạt động, ảnh hưởng lớn đến các dịch vụ cơ bản. Các siêu thị không thể bổ sung thêm hàng hóa, nhân viên phải vật lộn trên đường để đến nơi làm việc. Sân bay Dubai-sân bay bận rộn nhất thế giới đối với hành khách quốc tế-cũng phải hứng chịu tình trạng thiếu nhân viên trầm trọng cùng với nhiều chuyến bay bị hủy và chậm trễ.

Trong một phát biểu sau trận lụt lịch sử, Thủ tướng UAE Sheikh Mohammed bin Rashid al Maktoum nhấn mạnh, chính quyền Dubai đã rút ra được những bài học có giá trị trong việc ứng phó với những trận mưa lớn. Ông al Maktoum cho biết, các bộ trưởng nước này đã phê duyệt 2 tỷ dirham (khoảng 544 triệu USD) để khắc phục thiệt hại đối với nhà cửa của người dân sau trận lụt. Hiện một ủy ban cấp bộ đã được giao nhiệm vụ theo dõi hồ sơ này, đồng thời hợp tác với các cơ quan chức năng để giải ngân khoản hỗ trợ. Một ủy ban khác cũng được thành lập để ghi nhận thiệt hại về cơ sở hạ tầng và đề xuất giải pháp khắc phục.

BÌNH NGUYÊN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.