Theo Reuters, Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết trong ngày 20-3, 7 hành lang nhân đạo được mở để dân thường có thể sơ tán khỏi các khu vực đang diễn ra giao tranh. Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, đã có tổng cộng 190.000 người được sơ tán khỏi các khu vực xung đột thông qua các hành lang nhân đạo.

Trước đó một ngày, theo hãng tin Sputnik, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc (LHQ) cho biết cơ quan này đang phối hợp với Nga và Ukraine để vận chuyển hàng viện trợ nhân đạo cho người bị ảnh hưởng bởi cuộc xung đột. "Sau những cuộc thảo luận chặt chẽ với Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao của Nga, cũng như các bộ tương tự của Ukraine, phái đoàn vận chuyển hàng cứu trợ đầu tiên đã được triển khai trong ngày hôm nay ở thành phố Sumy với hơn 100 tấn hàng thiết yếu được chuyển tới cho người dân", Trung tâm thông tin của LHQ tại Moscow nêu rõ trong thông báo đưa ra ngày 19-3.

 Người tị nạn Ukraine bên ngoài một văn phòng nhập cư sau khi được đưa tới Bỉ. Ảnh: Reuters.

Chương trình Lương thực LHQ (WFP) ngày 19-3 cũng cho biết các cơ quan cứu trợ đang cố gắng tiếp cận người dân trong những khu vực có chiến sự tại Ukraine, đặc biệt là các thành phố: Mariupol, Sumy và Kharkov. Theo ông Jakob Kern, Điều phối viên khẩn cấp của WFP về cuộc khủng hoảng tại Ukraine, trước đó hai ngày, một đoàn xe cứu trợ đã tới Sumy để chuyển số thực phẩm cho khoảng 3.000 người. Tuy nhiên, WFP cho rằng con số này ít hơn nhiều so với nhu cầu thực tế và việc cứu trợ cho các thành phố lớn tại Ukraine cần phải thực hiện hằng ngày. Cũng chính vì lý do đó nên WFP kêu gọi cần mở hành lang nhân đạo thường trực để hàng cứu trợ tới được các thành phố này.

Đến nay, một số quốc gia, trong đó có Nhật Bản và Ấn Độ, cũng cam kết tham gia vào nỗ lực thúc đẩy hoạt động nhân đạo tại Ukraine.

Liên quan đến những diễn biến mới nhất về tình hình chiến sự tại Ukraine, hãng thông tấn TASS ngày 20-3 cho biết Thụy Sĩ tuyên bố nước này sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải hoặc chủ trì những cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine. “Thụy Sĩ sẵn sàng đóng vai trò hòa giải ở hậu trường hoặc chủ trì những cuộc đàm phán. Thụy Sĩ có cả tính trung lập và truyền thống nhân đạo”, Tổng thống Thụy Sĩ Ignazio Cassis nhấn mạnh trong bài phát biểu trên truyền hình.

Trước đó vài ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cũng tiết lộ rằng các đồng nghiệp Thụy Sĩ đã tiếp cận ông bằng lời đề nghị đóng vai trò dàn xếp những cuộc đàm phán giữa Moscow và Kiev.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 20-3 nhận định Nga và Ukraine đang tiến gần hơn đến một thỏa thuận về các vấn đề quan trọng và gần như đã nhất trí về một số vấn đề. Bên cạnh đó, ông Cavusoglu cũng bày tỏ hy vọng Moscow và Kiev sẽ đạt được một lệnh ngừng bắn.

Tương tự, ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng nói rằng nước này tin tưởng Nga và Ukraine có thể đạt được một thỏa thuận hòa bình. “Một thỏa thuận hòa bình là có thể. Câu hỏi hiện nay là khi nào và làm cách nào để đạt được thỏa thuận này”, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh khi phát biểu trên kênh truyền hình Al Jazeera.

Ngoài ra, trả lời phỏng vấn tờ The Star, Người phát ngôn Kalin nhấn mạnh rằng cần phải tiếp tục duy trì một đường dây liên lạc với Nga để tìm cách giải quyết cuộc xung đột tại Ukraine. Ông nói: "Chúng tôi hiểu cảm giác và tình thế của các quốc gia khi xử lý quan hệ với Nga. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng cần phải duy trì đối thoại với Nga. Nếu tất cả đều hủy cây cầu với Nga, vậy ai sẽ là người thảo luận cùng với họ?".

Sputnik cho biết hiện Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị sẵn cơ sở cho một cuộc gặp dự kiến giữa các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Nga và Ukraine.

ANH VŨ