Trả lời phỏng vấn BBC, ông Ibrahim Kalin, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan chiều 17-3, các yêu cầu của Tổng thống V.Putin bao gồm một số điểm chính như Ukraine chấp nhận tình trạng trung lập, không gia nhập NATO. Ngoài ra, Ukraine sẽ phải trải qua quá trình giải trừ quân bị để bảo đảm rằng nước này không là mối đe dọa với Nga. Ukraine cũng phải bảo vệ ngôn ngữ Nga tại nước này. Những yêu cầu này, theo ông Kalin, là không quá khó đối với Ukraine. Nhưng một yêu cầu khác, cũng là khó khăn trong quá trình đàm phán hiện nay giữa Nga và Ukraine, chính là cần có cuộc đàm phán trực tiếp giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Ukraine trước khi hai bên có thể đạt được một thỏa thuận về những điểm trên. Tuy nhiên, ông Kalin không nêu cụ thể về các điều kiện mà ông cho là khó khăn, chỉ cho biết chúng liên quan tới tình trạng của vùng Donbass ở miền Đông Ukraine và bán đảo Crimea.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Word Press 

Phủ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sau đó ra thông cáo về cuộc điện đàm, cho hay hai lãnh đạo đã "đạt được đồng thuận về một số vấn đề". Tổng thống Erdogan cũng đề nghị tổ chức hội đàm giữa Tổng thống Nga và Tổng thống Ukraine tại thành phố Istanbul hoặc Ankara. 

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng đề xuất gặp trực tiếp Tổng thống Nga và đàm phán một-một với nhà lãnh đạo này. Trong thông điệp ghi hình phát trên Facebook ngày 14-3, Tổng thống Zelensky cho biết, "nhiệm vụ rõ ràng" của phái đoàn Ukraine là "làm mọi thứ để cuộc gặp giữa Tổng thống Nga và Ukraine diễn ra" bên cạnh các bảo đảm, nguyên tắc có tính ràng buộc. Tiếp đó, ngày 16-3, Tổng thống Zelensky cũng đã đưa ra những yêu cầu của mình để đạt được thỏa thuận với Nga. "Những ưu tiên của tôi trong các cuộc đàm phán rất rõ ràng: Chấm dứt chiến tranh, bảo đảm an ninh, chủ quyền, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ, những bảo đảm thật sự cho đất nước chúng tôi, sự bảo vệ thật sự cho đất nước chúng tôi", ông Zelensky nói.

Theo hãng tin Reuters, những yêu cầu mà Tổng thống Nga chia sẻ với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc điện đàm ngày 17-3 phù hợp với những yêu cầu được Điện Kremlin công bố tuần trước. Nhưng dù sao, những tin tức về cuộc điện đàm cũng cho thấy các nỗ lực đang được đẩy mạnh để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine. Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nỗ lực ngoại giao đáng kể nhất nhằm tìm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng này. 

Belarus cũng là quốc gia nhiệt tình tham gia thúc đẩy đàm phán giữa hai bên. Nga và Ukraine đã tổ chức 3 vòng đàm phán tại Belarus. Ngày 17-3, trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh TBS của Nhật Bản, bất chấp những thực tế khó khăn trong đàm phán Nga-Ukraine, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tỏ ra khá lạc quan khi cho rằng, trong tương lai gần, cuộc xung đột sẽ kết thúc với một thỏa thuận hòa bình. 

Bất chấp những tin tức nêu trên, triển vọng đàm phán giữa Nga và Ukraine đến nay vẫn chưa rõ ràng. Các thông tin về vấn đề này thường không được kiểm chứng chắc chắn. Mới đây, theo RT, Điện Kremlin đã bác bỏ bài báo về "bản kế hoạch hòa bình 15 điểm Nga-Ukraine" được Financial Times  đăng tải, đồng thời nhấn mạnh hai bên vẫn chưa đạt được bước tiến, khẳng định công việc đàm phán vẫn đang tiếp tục và Nga sẽ thông báo với công chúng bất cứ bước đột phá nào trong đàm phán với Ukraine.

XUÂN PHONG