Điện Elysee tiết lộ, cuộc hội đàm thượng đỉnh giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ theo đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ được mở rộng với thành phần tham gia gồm các bên liên quan để thảo luận về an ninh và ổn định chiến lược ở châu Âu. Dự kiến ngày 24-2 tới, giới chức Moscow và Washington sẽ bắt đầu các bước chuẩn bị cho cuộc hội đàm.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có một loạt cuộc điện đàm để thảo luận về tình hình Ukraine. Ảnh: EPA

Không lâu sau đó, Nhà Trắng đã ra thông cáo xác nhận thông tin nói trên, đồng thời nhấn mạnh Mỹ cam kết theo đuổi tiến trình ngoại giao kể từ khi căng thẳng tại Ukraine leo thang. Về phần mình, phát biểu với báo giới tại Hội nghị An ninh Munich tại thành phố Munich của Đức, Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris cũng ủng hộ quan điểm cho rằng vẫn còn “con đường ngoại giao” để ngăn chặn bùng nổ xung đột giữa Nga và Ukraine.

Chỉ trong ngày 20-2, Tổng thống Pháp Macron và Tổng thống Nga Putin cũng đã có hai cuộc điện đàm để thảo luận về vấn đề Ukraine. Hãng tin Interfax dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo đã thống nhất rằng cần tăng cường các nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại Ukraine và nhấn mạnh sự cần thiết phải tiếp tục đối thoại về vấn đề này. Đáng chú ý, ông Putin cho rằng cần tăng cường nỗ lực ngoại giao nhằm tìm ra hướng đi cho cuộc khủng hoảng nói chung, đồng thời lặp lại lời kêu gọi Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) xem xét một cách nghiêm túc các yêu cầu bảo đảm an ninh mà Nga đưa ra.

Ngoài ra, Tổng thống Pháp cũng có các cuộc trao đổi riêng rẽ với Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.

Reuters cho biết sau khi có tin Tổng thống Mỹ Biden và người đồng cấp Nga Putin chấp nhận về mặt nguyên tắc tiến hành hội đàm thượng đỉnh, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell ngày 21-2 khẳng định EU ủng hộ nỗ lực nhằm thu xếp những cuộc đàm phán giữa Washington và Moscow để tìm ra giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine. "Những cuộc gặp cấp cao, ở cấp lãnh đạo, ở cấp bộ trưởng, dù theo hình thức nào, cách thức đối thoại nào, ngồi vào bàn đàm phán và cố gắng tránh chiến tranh đều hết sức cần thiết... Chúng tôi sẽ hỗ trợ bất cứ điều gì có thể để làm cho những cuộc đối thoại ngoại giao trở thành cách hiệu quả nhất, con đường duy nhất để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine", ông Borrell nói với các phóng viên ở Brussels (Bỉ) trước cuộc họp của các ngoại trưởng EU.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio ngày 21-2 khẳng định Tokyo đang cùng nhiều nước trên thế giới tích cực tham gia các nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng tại Ukraine. "Tất cả quốc gia trên thế giới hiện đang tham gia các nỗ lực ngoại giao nhằm hạ nhiệt căng thẳng. Trước tình hình đó, đất nước của chúng ta cũng cần đưa ra nỗ lực ngoại giao để giảm leo thang”, Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh trong bài phát biểu trước Quốc hội nước này.

Nếu không có gì thay đổi, cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ là chủ đề được tập trung bàn thảo tại hội nghị trực tuyến của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) do Đức chủ trì, dự kiến diễn ra vào ngày 24-2 tới. Được biết, Tổng thống Mỹ Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio đã xác nhận tham dự hội nghị này.

Cũng liên quan tới tình hình Ukraine, phát biểu trên kênh truyền hình CBS, Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba cho rằng những đồn đoán của phương Tây về khả năng Nga tấn công Ukraine đang gây tổn hại đến kinh tế và sự ổn định tài chính của nước này.

ANH VŨ