Đại tá Đinh Xuân Hòa, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chào mừng đoàn và trực tiếp dẫn các thành viên trong đoàn đi thăm các gian trưng bày hiện vật trong nhà và ngoài trời tại bảo tàng. 

Thăm khu trưng bày ngoài trời. 

Đoàn đã nghe giới thiệu về lịch sử hình thành của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, một địa chỉ được coi như “cuốn sử sống” về cuộc cách mạng đấu tranh giải phóng giành độc lập dân tộc của Việt Nam, về Quân đội nhân dân Việt Nam; xem phim tư liệu về thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam; tham quan các hiện vật trưng bày tại các khu vực trong nhà và ngoài trời. 

Chụp ảnh lưu niệm bên xe tăng T54B số hiệu 843 tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Gian trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam có lẽ thu hút được nhiều sự quan tâm với thời gian đoàn lưu lại lâu nhất. Sau khi nghe hướng dẫn viên giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Chủ tịch Hồ Chí Minh, một số thành viên trong đoàn quan tâm đã đặt câu hỏi cho hướng dẫn viên để hiểu hơn về vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Trung tướng Agus Subiyanto, Phó tư lệnh Lục quân, Quân đội Indonesia hỏi hướng dẫn viên về ý nghĩa tên Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh… Không khó để nhận ra trong chuyến tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam lần này, ông là một trong những người theo dõi rất kỹ các chú thích hiện vật, quan tâm tìm hiểu về nguồn gốc lịch sử của hiện vật đó như thế nào.

Gian trưng bày giới thiệu một số hình ảnh, hiện vật tiêu biểu cho cuộc chiến tranh du kích của Việt Nam thực sự đã gây ngạc nhiên cho các thành viên trong đoàn. Các hiện vật gây nhiều chú ý là một số loại vũ khí thô sơ, tự tạo như những bẫy chông bằng tre được vót nhọn, những mũi sắt nhọn có ngạnh, súng tự chế… đã góp phần làm nên những chiến thắng vẻ vang của quân và dân Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc. 

 Các thành viên trong đoàn thích thú với các di tích khảo cổ nằm sâu dưới lòng đất tại Hoàng Thành Thăng Long.

Các thành viên trong đoàn thích thú chụp ảnh để làm kỷ niệm cùng với những hiện vật có giá trị lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt nhưng hào hùng của dân tộc Việt Nam như: Xe tăng T54B số hiệu 843 đã tham gia giải phóng Huế, Đà Nẵng, sau đó tiếp tục tiến thẳng tiến về Sài Gòn với tinh thần “thần tốc và quyết thắng”; động cơ máy bay Hen-cat được Mỹ chế tạo, viện trợ cho Pháp sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, bị pháo phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam bắn rơi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954…

Hướng dẫn viên giới thiệu về các cổ vật có giá trị văn hóa, lịch sử tại Hoàng Thành Thăng Long.

Thăm khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long cũng là một trải nghiệm thú vị đối với các thành viên trong đoàn, khi được tận mắt chứng kiến những cổ vật cùng các dấu tích kiến trúc có bề dày lịch sử mang giá trị lịch sử, văn hóa to lớn của Kinh đô Thăng Long xưa và đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới. Ban tổ chức vì muốn tiết kiệm thời gian cho các hoạt động quan trọng tiếp theo của đoàn nhưng cũng đành nán lại thêm vài phút để chiều lòng các thành viên trong đoàn đang bị cuốn hút bởi những lớp khảo cổ nằm sâu dưới lòng đất, các di tích, di vật khảo cổ chồng xếp lên nhau trải qua các thời kỳ lịch sử.

Chuyến tham quan các di tích lịch sử, văn hóa, quân sự của Việt Nam đã giúp các thành viên trong đoàn hiểu hơn về đất nước Việt Nam với truyền thống đấu tranh anh dũng giải phóng dân tộc và bề dày lịch sử cùng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.  

Bài và ảnh: MỸ HẠNH