Không thể phủ nhận động lực từ "Thỏa thuận Abraham" bình thường hóa quan hệ giữa Israel và một số nước Arab/Hồi giáo đã mở ra triển vọng hợp tác cùng phát triển giữa các nước ở khu vực. Những nước này đang cho thấy nỗ lực xích lại gần nhau dựa trên những điểm chung có thể kết nối, bao gồm nguồn gốc lịch sử có cùng tổ phụ là Thánh Abraham, nhưng trên hết vẫn là mối quan hệ đôi bên cùng có lợi.
Năm 2021 cũng là thời điểm Thỏa thuận Abraham đi vào thực chất với nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại được ký kết, mang lại những lợi ích rõ rệt. Cùng với đó là các động thái ngoại giao thể hiện thiện chí hàn gắn quan hệ giữa các nước hàng đầu khu vực như Saudi Arabia hay Iran.
Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng có điều chỉnh lớn trong chính sách đối ngoại nhắm tới mục tiêu kinh tế và hạn chế can dự vào các vấn đề chính trị ở khu vực, bằng các cuộc tiếp xúc cấp cao với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Trên các diễn đàn đa phương khu vực cũng xuất hiện những tín hiệu vui sau khi Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) chào đón Qatar trở lại sau nhiều năm nước này bị tẩy chay.
 |
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) hội đàm với Thủ tướng Israel Naftali Bennett tại Nhà Trắng, ngày 27-8-2021. Ảnh: AP |
Tất nhiên đằng sau những chuyển dịch ngoại giao tích cực nói trên, vẫn còn những khác biệt và bất đồng cố hữu.
Điều dễ thấy hơn, ẩn dưới những mặt tích cực của Thỏa thuận Abraham là những “cơn sóng” ngầm có thể làm xói mòn nhiều giá trị. Thỏa thuận Abraham giúp thu hẹp khoảng cách giữa một số nước, nhưng ở chiều ngược lại, cũng tiềm ẩn nguy cơ gây thêm chia rẽ. Thỏa thuận lịch sử này đã bỏ qua vấn đề nền tảng là “hòa bình cho Palestine và giải pháp hai nhà nước Palestine, Israel cùng tồn tại”, động chạm tới một trong những vấn đề nhạy cảm nhất ở khu vực Trung Đông.
Ủng hộ sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc của người Palestine từ lâu nay đã trở thành biểu tượng cho tình đoàn kết của khối các nước Arab, cũng là nhân tố quan trọng để thiết lập nền hòa bình lâu dài ở khu vực. Việc một số nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel là hành động đi ngược lại với lý tưởng chung, có thể gây mâu thuẫn và chia rẽ trong khối Arab. Cho đến nay, với đa số các nước Arab/Hồi giáo, quyết định bình thường hóa quan hệ với Israel không phải là lựa chọn dễ dàng.
Xung đột Palestine-Israel bởi vậy vẫn là một “nút thắt” lớn ở khu vực. Năm 2021 cũng đánh dấu những thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Trung Đông sau khi Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền thay Tổng thống Donald Trump-người được cho là đã đặt dấu chấm hết cho vai trò trung gian của Mỹ trong cuộc xung đột Palestine-Israel với các chính sách “nổ bom” đi ngược các thỏa ước quốc tế về vấn đề này.
Trong một năm qua, sự ủng hộ trở lại của Washington đối với giải pháp hai nhà nước, thúc đẩy các biện pháp ngoại giao để nối lại các cuộc đàm phán hòa bình và tăng cường viện trợ cho Palestine, hầu như không giúp tạo ra chuyển biến nào tích cực. Xung đột Palestine-Israel thậm chí còn leo thang căng thẳng, đỉnh điểm là cuộc xung đột kéo dài 11 ngày giữa quân đội Israel và các tay súng Hamas của Palestine ở dải Gaza bùng nổ hồi tháng 5-2021.
Hành động của Mỹ cản trở Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua tuyên bố chung lên án các hành vi bạo lực của Israel trong cuộc xung đột, đủ để thấy cho dù thế nào, Mỹ cũng sẽ bênh vực Nhà nước Do Thái và không làm chệch hướng mối quan hệ với đồng minh số 1 của mình ở khu vực.
Trong khi đó, suốt một năm qua, chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng chưa có bước đi nào cụ thể để thúc đẩy giải pháp hai nhà nước, nối lại các cuộc hòa đàm bế tắc nhiều năm, hay giải quyết các vấn đề gốc rễ của cuộc xung đột liên quan tới khu định cư Do Thái, Đông Jerusalem hay hồi hương người tị nạn Palestine.
Có thể nói năm 2021 là một năm vai trò của Mỹ ở khu vực hết sức mờ nhạt bởi Washington không còn sức lo cho các vấn đề đối ngoại ở Trung Đông vốn không còn nằm trong sự quan tâm của Mỹ, do sự tàn phá của đại dịch Covid-19. Năm 2021 cũng đánh dấu sự chấm dứt sứ mệnh chiến đấu của Mỹ ở Iraq vào ngày 31-12 tới.
Cùng với cuộc xung đột không hồi kết giữa Palestine và Israel, hồ sơ hạt nhân Iran cũng trải qua một năm giậm chân tại chỗ, thậm chí có những bước lùi nguy hiểm. “Gọng kìm” cấm vận của Mỹ đối với Iran không hề khiến Nhà nước Hồi giáo chùn bước, trái lại, mức độ làm giàu urani của nước này còn tăng lên. Mọi giải pháp đã được Mỹ đặt lên bàn cân, tồi tệ hơn có đánh giá cho rằng mọi giải pháp có thể lựa chọn được đều đã đóng lại và chỉ còn giải pháp duy nhất không ai mong muốn, đó là sử dụng sức mạnh quân sự.
Cho tới thời điểm này, giải pháp ngoại giao vẫn là ưu tiên, nhưng nếu giải pháp này không được chọn, Washington tuyên bố sẽ buộc phải xem xét các công cụ khác để bảo đảm đạt được mục tiêu ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Một năm vừa qua cũng là một năm hoàn toàn bế tắc của các vòng đàm phán tại Vienna (Áo) về thỏa thuận hạt nhân Iran. Thậm chí, năm 2022 còn được giới chức quân sự Mỹ dự đoán sẽ là thời điểm bùng phát căng thẳng tiềm tàng giữa Mỹ và Iran.
Trung Đông đã trải qua một năm không có nhiều biến động, bởi qua nhiều năm, quỹ đạo duy nhất vẫn là bế tắc và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát xung đột. Kể cả những tác động của đại dịch Covid-19 đã làm nổi lên xu thế hợp tác đan xen với xung đột vốn có, lộ trình tìm kiếm hòa bình và ổn định lâu dài cho khu vực vẫn còn cả chặng đường với rất nhiều chông gai phía trước.
MỸ HẠNH