Tờ The Straits Times ngày 29-4 cho biết, Tổng thống Zelensky tuyên bố, Ukraine đã đáp ứng mọi điều kiện để khởi động các cuộc đàm phán chính thức về việc gia nhập EU. Hiện là lúc EU "phải đáp ứng các nghĩa vụ của mình". Ukraine đã đệ đơn xin gia nhập EU vào tháng 3-2022 và được trao quy chế ứng cử viên vào tháng 6 cùng năm - một quyết định nhanh chưa từng có trong lịch sử EU.

Theo TASS, tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra tại Brussels (Bỉ) hồi tháng 3 năm nay không hề đề cập tới khung thời gian đàm phán cụ thể. Tuyên bố chỉ bày tỏ hoan nghênh những bước tiến của Ukraine "trong thúc đẩy các cải cách cần thiết trên hành trình gia nhập EU". 

leftcenterrightdel

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. 

Mặc dù vậy, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel hy vọng, tới cuối tháng 6 tới đây, EU sẽ chính thức bắt đầu đàm phán với Ukraine về việc gia nhập khối. Tờ The Kyiv Independent cho biết, tại cuộc họp báo hồi giữa tháng 4 vừa qua, Phó thủ tướng Ukraine Olha Stefanishyna cũng nhấn mạnh Ukraine hy vọng đàm phán chính thức về việc gia nhập EU sẽ bắt đầu vào tháng 6 năm nay. Bà Stefanishyna khẳng định, Ukraine đã nhận được "những tín hiệu lạc quan" về các cuộc đàm phán sắp tới. Trong khi đó, theo Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel thông báo năm 2030 "có thể là mục tiêu" để mở rộng EU và EU sẽ nỗ lực đẩy nhanh tiến trình kết nạp Ukraine.

Trên thực tế, lịch sử EU cho thấy quá trình đàm phán để kết nạp một ứng cử viên là một hành trình phức tạp và kéo dài. Thổ Nhĩ Kỳ chính là một ví dụ cụ thể. Tuy được trao quy chế ứng cử viên từ năm 1999, chính thức bắt đầu đàm phán kết nạp từ năm 2005, song đến nay Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa phải là thành viên của EU.

Liên quan tới tiến trình gia nhập NATO, tờ The Straits Times dẫn lời Tổng thống Zelensky cho rằng bất kỳ quốc gia nào chia sẻ các giá trị chung và sẵn sàng bảo vệ các giá trị này đều “xứng đáng được mời tham gia" liên minh quân sự lớn nhất hành tinh. Hồi năm 2008, NATO đã nhất trí rằng Ukraine cuối cùng cũng sẽ trở thành một thành viên của liên minh. Gia nhập NATO là mong muốn lâu nay của Ukraine và đây cũng được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng giữa Kiev với Moscow-vốn coi sự mở rộng về phía Đông của liên minh quân sự là mối đe dọa an ninh hàng đầu.

Ukraine đã đưa việc gia nhập NATO vào Hiến pháp của nước này từ năm 2019 và chính thức nộp đơn xin gia nhập liên minh quân sự từ tháng 9-2022. Thế nhưng, từ năm 2008 cho đến nay, NATO chưa bao giờ đề ra khung thời gian cụ thể cho việc kết nạp Ukraine. Tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở thủ đô Vilnius (Litva) vào tháng 7-2023, các nhà lãnh đạo NATO chỉ khẳng định "tương lai của Ukraine là ở trong NATO"; "Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO"; "NATO sẽ hỗ trợ Ukraine thực hiện các cải cách cần thiết trên hành trình hướng tới là một thành viên trong tương lai"; NATO sẽ mời Ukraine gia nhập liên minh "khi các nước thành viên đồng thuận và các điều kiện được đáp ứng". Chính Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nhiều lần tuyên bố việc kết nạp một thành viên đang có chiến sự như Ukraine hiện "không nằm trong chương trình nghị sự" của liên minh quân sự.

Để trấn an Ukraine như là “một bước đi tạm thời” trước khi nước này được kết nạp vào NATO, bên lề hội nghị thượng đỉnh ở Litva, Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và một số quốc gia đã cam kết bảo đảm an ninh cho Ukraine thông qua các thỏa thuận song phương. Kết quả là hồi tháng 1-2024, Ukraine và Anh đã ký thỏa thuận an ninh có giá trị trong 10 năm và có thể gia hạn. Đến tháng 2 năm nay, Ukraine đã ký liên tiếp hai thỏa thuận hợp tác an ninh dài hạn với Đức và Pháp trong khuôn khổ chuyến công du của Tổng thống Zelensky tới Berlin và Paris.

VĨNH AN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.