Chân dung tân Chủ tịch Thượng viện Campuchia

Vậy là sau hơn 7 tháng rời cương vị Thủ tướng Campuchia (22-8-2023)-vị trí ông đã đảm nhiệm suốt gần 4 thập kỷ, Samdech Techo Hun Sen chính thức quay trở lại chính trường Campuchia với vai trò người đứng đầu cơ quan lập pháp Thượng viện Campuchia khi bước sang tuổi 72 theo đúng kế hoạch ông từng công bố "vẫn tiếp tục hành trình phụng sự dân tộc, phụng sự nhân dân ở một vị trí, vai trò khác".

leftcenterrightdel
 Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni chủ trì phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Thượng viện Campuchia khóa V. Ảnh: Shs media

Trước đó, Campuchia đã tổ chức cuộc bầu cử Thượng viện Campuchia khóa V thành công vào ngày 25-2-2024 với sự tham gia tranh cử của 4 chính đảng tại Campuchia gồm: Đảng Nhân dân Campuchia (CPP); Đảng Ý chí Khmer (KWP); Đảng FUNCINPEC và Đảng Sức mạnh dân tộc. Kết quả bầu cử CPP giành chiến thắng áp đảo với 55/58 ghế, trong khi Đảng KWP giành được 3 ghế còn lại. Đảng FUNCINPEC và Đảng Sức mạnh dân tộc không giành được đủ số phiếu để giành được ghế Thượng viện.

Thượng viện Campuchia khóa V có 62 nghị sĩ, tương đương một nửa số nghị sĩ Quốc hội đương nhiệm và có nhiệm kỳ 6 năm. Trong đó, 58 nghị sĩ được bầu theo phương thức không phổ thông đầu phiếu (cử tri là nghị sĩ Quốc hội và ủy viên Hội đồng xã/phường), 2 nghị sĩ do Quốc vương bổ nhiệm và 2 nghị sĩ còn lại do Quốc hội bầu ra.

Thượng viện Campuchia được thành lập ngày 25-3-1999, là một trong hai cơ quan lập pháp của hệ thống Nghị viện Campuchia (viện còn lại là Quốc hội Campuchia - tức Hạ viện) được quy định trong Hiến pháp Campuchia. Theo quy định của Hiến pháp, Thượng viện nhóm họp mỗi năm 2 lần. Mỗi kỳ họp sẽ cách nhau ít nhất 3 tháng. Trong trường hợp Quốc vương, Thủ tướng, hoặc ít nhất một phần ba tổng số thượng nghị sĩ yêu cầu, Thượng viện có thể triệu tập phiên họp bất thường.

Nghị viện Campuchia có chức năng lập pháp, giám sát thực thi pháp luật, xem xét, cho ý kiến bổ sung vào các dự thảo luật do Quốc hội (tức Hạ viện) đệ trình trước khi trình lên Quốc vương phê chuẩn ký ban hành.

Với tư cách là Chủ tịch Thượng viện, Samdech Techo Hun Sen sẽ là quyền Nguyên thủ quốc gia khi Quốc vương vắng mặt trong nước. Và đương nhiên ông cũng sẽ là Chủ tịch Hội đồng Ngai vàng - Cơ quan bầu ra người kế vị ngai vàng...

leftcenterrightdel

Tân Chủ tịch Thượng viện Campuchia khóa V. Ảnh: Shs media 

Thông điệp từ tân Chủ tịch Thượng viện

Trong bài phát biểu ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch Thượng viện Campuchia khóa V, Samdech Techo Hun Sen đã cho thấy cam kết mạnh mẽ với tư cách là Chủ tịch Thượng viện, ông quyết tâm lãnh đạo cơ quan Thượng viện hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, chung tay với Quốc hội và Chính phủ thực thi sứ mệnh phụng sự đất nước và nhân dân Campuchia ở mức cao nhất.

“Chúng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ Hiến pháp, chế độ quân chủ và nền dân chủ đa đảng, tự do và thượng tôn pháp luật của Campuchia. Chúng tôi sẽ không ngừng nỗ lực hướng tới củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vị thế của đất nước và hạnh phúc của nhân dân”, ông nhấn mạnh.

Samdech Techo Hun Sen cũng đánh giá cao vai trò của Thượng viện trong suốt các nhiệm kỳ vừa qua. Ông cũng nhắc đến vai trò quan trọng của Thượng viện trong thể chế chính trị của đất nước, vai trò điều phối chức năng nhiệm vụ và quyền hạn giữa Quốc hội và Chính phủ nhằm giải quyết mọi công việc hệ trọng của đất nước.

Về tầm nhìn nhiệm kỳ, tân Chủ tịch Thượng viện Campuchia đặc biệt nhấn mạnh đến việc tăng cường, mở rộng quan hệ quốc tế của Thượng viện. Ông khẳng định sẽ coi việc thúc đẩy ngoại giao nghị viện là một trong những ưu tiên hàng đầu của cơ quan lập pháp này.

Lý giải cho định hướng này, Samdech Techo Hun Sen nói: “Thế giới hiện nay ngày càng gắn kết với nhau nhưng vẫn bị phân cực, diễn biến phức tạp do sự cạnh tranh chiến lược ngày càng gay gắt giữa các siêu cường trên thế giới, các cuộc xung đột, chiến tranh, khủng hoảng trên toàn cầu và các mối đe dọa an ninh phi truyền thống chưa từng có. Trong bối cảnh khó khăn và phức tạp khó dự đoán này, điều cần thiết chúng ta cần làm là tăng cường mối quan hệ với các đối tác quốc tế, tham gia tích cực hơn vào các diễn đàn đa phương, và cùng có trách nhiệm giải quyết các thách thức toàn cầu”.

Chủ tịch Thượng viện Campuchia cũng đề cập đến một ưu tiên quan trọng khác, đó là phối hợp chặt chẽ với cử tri, đặc biệt là với các thành viên hội đồng xã, phường - những người đại diện và phục vụ trực tiếp hằng ngày người dân ở cấp địa phương. Ông nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đóng góp nhiều nhất có thể cho quá trình dân chủ hóa, xây dựng và phát triển đất nước, cải cách phân quyền và phi tập trung hóa cũng như cải thiện chất lượng, hiệu lực và hiệu suất của các dịch vụ công”.

Cùng với những cam kết trên, tân Chủ tịch Thượng viện Campuchia cũng coi trọng việc thúc đẩy và bảo vệ công bằng xã hội, người dân được hưởng đầy đủ các quyền tự do, tín ngưỡng được Hiến pháp Campuchia bảo vệ.

leftcenterrightdel
Thành phần Thượng viện Campuchia khóa V chụp ảnh lưu niệm sau Lễ tuyên thệ. Ảnh: Shs media 

Trọng trách và kỳ vọng trên vai

Tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Thượng viện Campuchia khóa V, Quốc vương Norodom Sihamoni đã kêu gọi các thượng nghị sĩ thực hiện trọng trách của mình tại cơ quan lập pháp tối cao này hiệu quả hơn, có trách nhiệm hơn, vì lợi ích tối thượng của quốc gia, dân tộc và trong khuôn khổ pháp quyền.

“Thượng viện phải góp phần hoàn thiện và cân bằng quyền lực nhà nước nhằm mục đích bảo vệ hòa bình, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị cũng như bảo vệ Hiến pháp và chế độ quân chủ. Đoàn kết dân tộc và bảo vệ mọi thành tựu to lớn của đất nước. Để ổn định phải đi đôi với việc nâng cao danh dự, uy tín quốc gia trong khuôn khổ khu vực và toàn cầu”, Quốc vương kêu gọi.

Dư luận tại Campuchia kỳ vọng rằng, Thượng viện Campuchia khóa mới sẽ có sự kế thừa và hoạt động hiệu quả hơn nhiệm kỳ trước đó do có sự tham gia của các chính trị gia nổi tiếng nguyên là lãnh đạo những cơ quan trọng yếu hàng đầu đất nước. Bên cạnh đó, cơ cấu của Thượng viện khóa V cũng khác với khóa trước, vì có ba ghế thuộc Đảng KWP, trong khi ở khóa IV đều thuộc về Đảng CPP.

Phát biểu với báo Khmer Times, ông Kong Monika, Tổng thư ký KWP cho biết, Đảng KWP của ông rất quan tâm đến hạnh phúc của người dân, đặc biệt là những người đang gặp khó khăn và những người yếu thế trong xã hội, do đó ông mong muốn Thượng viện và Chính phủ tiếp tục quan tâm giải quyết những vấn đề này.

Yang Peou, Tổng thư ký Học viện Hoàng gia Campuchia tin rằng, nguyên Thủ tướng Samdech Techo Hun Sen được bầu làm Chủ tịch Thượng viện cũng như trở thành quyền Nguyên thủ quốc gia khi Quốc vương vắng mặt trong nước thì nhiệm vụ mới của Thượng viện cũng sẽ có nhiều thay đổi tích cực.

Với trọng trách cao cả được nhân dân tin tưởng và giao phó, Samdech Techo Hun Sen - người khởi tạo nền hòa bình tại Campuchia sẽ tiếp tục tiến bước trên hành trình phụng sự và bảo vệ lợi ích cốt lõi của dân tộc, của nhân dân, bảo đảm rằng lợi ích quốc gia là tối thượng, tiếng nói của nhân dân luôn được lắng nghe trong hệ thống lập pháp tại Campuchia...

ĐOÀN TRUNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.