QĐND - Ngày 20-2, CNN đưa tin một bệnh viện tại A-rập Xê-út đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng khi truyền máu nhiễm HIV cho một bệnh nhân. Sự việc đã khiến giới chức ngành y tế A-rập Xê-út như “ngồi trên đống lửa” trước sự phẫn nộ của dư luận. Vụ bê bối được nhìn nhận sẽ kéo theo những hệ lụy khôn lường. Đúng là “sai một ly, đi… ngàn dặm”!...

Sự phẫn nộ chưa có tiền lệ

Cô bé Rê-ham An Ha-ca-mi (Reham al-Hakami), 12 tuổi, bị mắc bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, đã đến bệnh viện đa khoa ở Gia-dan (Jazan), nơi em sinh sống để truyền máu hôm 12-2 vừa qua. Chỉ vài giờ sau đó, gia đình em được bệnh viện thông báo là mẫu máu mà em được truyền đã bị nhiễm HIV. Ngay lập tức, Rê-ham An Ha-ca-mi được vận chuyển bằng máy bay đến bệnh viện King Faisal Specialist ở thủ đô Ri-át (Riyadh) để theo dõi và điều trị.

Việc công khai chỉ trích các quan chức chính phủ ở A-rập Xê-út hiếm khi xảy ra. Ấy vậy nhưng vụ việc của bé Rê-ham An Ha-ca-mi lại châm ngòi cho một làn sóng chỉ trích công khai dữ dội trên các trang mạng xã hội và phương tiện truyền thông. Hội Nhân quyền Quốc gia (NSHR) đã yêu cầu các nhà chức trách tiến hành điều tra nghiêm túc vụ việc và tuyên bố sẽ đấu tranh đòi công lý xứng đáng cho nạn nhân cùng gia đình, đồng thời kêu gọi các nhà chức trách bắt giữ các nhân viên y tế có dính líu. Thậm chí, Đao-út An Sa-ri-an (Daoud al-Sharian), một người dẫn chương trình nổi tiếng của kênh truyền hình nhà nước MBC, đã kêu gọi Bộ trưởng Y tế Áp-đu-la An Ra-bi-a (Abdullah al-Rabiah) phải từ chức.

 “Tôi ước, chỉ một lần thôi, rằng một vị bộ trưởng sẽ phải từ chức vì những lỗi lầm do nhân viên của họ gây ra”, Đao-út An Sa-ri-an nói với CNN.

Cô bé Rê-ham An Ha-ca-mi đang được điều trị tại bệnh viện King Faisal Specialist.Ảnh: saudigazette.com.sa

Trong khi đó, việc ông Áp-đu-la An Ra-bi-a đến bệnh viện thăm và tặng cô bé Rê-ham An Ha-ca-mi một chiếc iPad sau sự cố trên cũng trở thành đề tài công kích nóng bỏng trên trang mạng xã hội Twitter ở A-rập Xê-út. Một nhà thuyết giáo viết rằng, món quà tặng iPad “nên được đưa vào sách kỷ lục Guinness như là khoản bồi thường rẻ mạt nhất từ trước tới nay”. Phản ứng lại, người đứng đầu ngành y tế A-rập Xê-út giải thích với kênh tin tức Al-Ekhbariya rằng, khi nằm viện, cô bé muốn có một chiếc iPad để được nghe Kinh Cô-ran của đạo Hồi. “Vì vậy, tôi đã yêu cầu đồng nghiệp chuẩn bị một chiếc iPad… Nếu tôi không đến thăm cô bé thì tôi thấy mình thật đáng trách”, ông Áp-đu-la An Ra-bi-a trần tình. Ông cũng khẳng định rằng, món quà không phải là khoản bồi thường.

Một việc làm “tắc trách”

Trước làn sóng phản đối mạnh mẽ của dư luận, Bộ Y tế A-rập Xê-út đã phải gửi lời xin lỗi tới nạn nhân và gia đình cũng như người dân nước này, gọi đây là “một sai lầm nghiêm trọng”. Trong thông báo của mình, Bộ này cho biết vụ việc đang được tiến hành điều tra và sẽ có biện pháp bồi thường “thỏa đáng” cho nạn nhân. Thông báo cũng cho biết, 7 quan chức y tế của Gia-dan đã bị sa thải. Hiện tại, Bộ đã yêu cầu bệnh viện đa khoa Gia-dan ngừng tất cả các hoạt động hiến máu để bảo đảm an toàn.

Liên quan đến công tác điều tra, CNN dẫn lời Mô-ha-mét An-ma-đi (Mohammed Almadi) thuộc Ủy ban Nhân quyền của chính phủ A-rập Xê-út, cơ quan đang điều tra vụ việc, xác nhận rằng, vụ bê bối là do hành động “tắc trách”. Trong khi đó, tờ tin tức Saudi Gazette của A-rập Xê-út dẫn báo cáo của NSHR cho biết, trình độ năng lực yếu kém của đội ngũ y, bác sĩ cũng như việc không tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong việc hiến máu, xét nghiệm máu của bệnh viện đa khoa Gia-dan là nguyên do tại sao một sai phạm nghiệm trọng như vậy xảy ra.

Vụ việc của Rê-ham An Ha-ca-mi không phải là trường hợp bê bối đầu tiên liên quan tới sự tắc trách của đội ngũ y tế trên thế giới. Tại Pháp, khi một bài báo được công bố trên tạp chí L’Evenement de Jeude số ra tháng 4-1999, dư luận nước này mới vỡ lẽ là từ năm 1984, Trung tâm Truyền máu Quốc gia Centre National de Trasfusion Sanguine đã biết trước máu nhiễm vi-rút HIV nhưng vẫn dùng cho các bệnh nhân bị mất máu, khiến khoảng 5000 bệnh nhân bị nhiễm HIV. Tại Nhật Bản, hậu quả từ việc truyền máu nhiễm HIV cũng gây hậu quả không kém. Khoảng 2000 người bị bệnh chảy máu ở quốc gia này đã nhiễm HIV vào những năm thập niên 80 của thế kỷ trước. Vì sự tắc trách của những người làm việc trong Bộ Y tế Nhật mà nhiều mẫu máu đã không được qua xử lý nhiệt để vô trùng.

Dẫu biết rằng, nhiều khi những sai sót là không thể tránh khỏi bởi nhiều yếu tố khách quan, thế nhưng quả là không dễ dàng tha thứ cho những hành động tắc trách, chủ quan như thế này. Theo lời luật sư của gia đình nạn nhân, ông I-bra-him An Ha-ki-mi (Ibrahim al-Hakimi), gia đình sẽ kiện Bộ Y tế, “bắt đầu từ quan chức cấp cao nhất và những người liên quan đến sai sót này”. Ông I-bra-him An Ha-ki-mi cho biết, hiện gia đình cô bé vẫn chưa hết bàng hoàng trước những gì đã xảy ra. Còn đối với Rê-ham An Ha-ca-mi, mạng sống của em vẫn đang bị “treo lửng” vì chưa xác định được liệu rằng em có dương tính với HIV hay không. Trong một đoạn băng video chỉ vỏn vẹn 6 giây được phát tán rộng rãi trên mạng internet, em đã nhắn gửi tới mọi người rằng, “cháu cần mọi người luôn ủng hộ và cầu nguyện cho cháu”. Chắc chắn rằng mọi người vẫn đang tiếp tục dõi theo, cầu mong cho Rê-ham An Ha-ca-mi được tai qua nạn khỏi cũng như chờ đợi công lý được thực thi.

LÂM TOÀN