Tân Hoa xã ngày 29-10 cho biết, các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa Phần Lan và Thụy Điển, nhất là trên con đường gia nhập NATO, chính là trọng tâm của cuộc gặp diễn ra tại thủ đô Helsinki của Phần Lan. Trong một thông cáo báo chí, Chính phủ Phần Lan khẳng định mối quan hệ giữa hai nước “đóng vai trò đặc biệt quan trọng” trong các cuộc khủng hoảng hiện nay. Hai nhà lãnh đạo nhất trí cho rằng Phần Lan và Thụy Điển cần gia nhập NATO cùng một lúc.
Trong khi đó, theo Reuters, phát biểu tại cuộc họp báo chung, Thủ tướng Marin khẳng định, Phần Lan không bỏ lại Thụy Điển trong tiến trình gia nhập NATO, bởi việc Helsinki và Stockholm cùng gia nhập liên minh quân sự này “là điều rất quan trọng đối với chúng tôi”. Về phần mình, Thủ tướng Thụy Điển Kristersson khẳng định, hai quốc gia Bắc Âu đang từng bước cùng nhau thực hiện tiến trình gia nhập NATO và “không ai trong chúng tôi có tham vọng nào khác”.
 |
Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin và người đồng cấp Thụy Điển Ulf Kristersson tại cuộc họp báo chung ở Helsinki. Ảnh: Reuters |
Phần Lan và Thụy Điển chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO hồi tháng 5-2022, qua đó từ bỏ quan điểm trung lập trong nhiều thập niên. Tuy nhiên, nỗ lực gia nhập NATO của hai quốc gia Bắc Âu đã ngay lập tức vấp phải sự phản đối từ Thổ Nhĩ Kỳ khi Ankara cáo buộc hai nước này là nơi chứa chấp nhiều tổ chức khủng bố. Sau cuộc đàm phán giữa các nhà lãnh đạo của Thổ Nhĩ Kỳ, Phần Lan và Thụy Điển hồi cuối tháng 6 vừa qua, 3 nước đã ký một thỏa thuận, trong đó Ankara tuyên bố ủng hộ hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO để đổi lại, Helsinki và Stockholm cam kết không hỗ trợ Đảng Công nhân người Kurd (PKK) và lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG)-những tổ chức bị Ankara đặt ngoài vòng pháp luật.
Phần Lan và Thụy Điển cũng khẳng định không ủng hộ mạng lưới của Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc đứng sau vụ đảo chính bất thành hồi năm 2016. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan không ít lần tuyên bố thỏa thuận mà nước này ký với Phần Lan và Thụy Điển nhằm rút lại quyết định phủ quyết của Ankara về việc kết nạp hai quốc gia Bắc Âu vào NATO không đồng nghĩa mọi chuyện đã xong, đồng thời yêu cầu hai quốc gia này thực hiện cam kết của mình.
Tại cuộc họp báo với người đồng cấp Phần Lan ở Helsinki, Thủ tướng Thụy Điển khẳng định thỏa thuận ba bên giữa nước này với Phần Lan và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 6-2022 “vẫn có hiệu lực” và cam kết thực hiện các trách nhiệm theo thỏa thuận. Thủ tướng Kristersson cho biết sẽ sớm gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để xác nhận rằng Thụy Điển đang làm những gì đã cam kết “trong khuôn khổ thỏa thuận”. Có thông tin cho biết phía Thổ Nhĩ Kỳ đã mời Thủ tướng Kristersson tham dự cuộc họp song phương tại thủ đô Ankara vào đầu tháng 11 tới đây.
Theo quy định, việc kết nạp một thành viên mới yêu cầu sự đồng thuận của tất cả thành viên NATO. Tờ Politico cho biết, hiện đã có 28/30 quốc gia thành viên NATO phê chuẩn việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển, ngoại trừ Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Hungary đã tuyên bố ủng hộ việc Phần Lan và Thụy Điển gia nhập NATO, đồng thời cho biết muộn nhất là tới giữa tháng 12 năm nay, Quốc hội nước này sẽ phê chuẩn việc kết nạp Helsinki và Stockholm vào liên minh quân sự.
HOÀNG VŨ