Nhưng cũng nhờ đó mà hy vọng về một nước Mỹ trong vai trò “đầu tàu” của thế giới dường như đã trở lại.
Hoài nghi, thất vọng có lẽ là trạng thái đeo đuổi tâm lý của nhiều cử tri Mỹ khi bước vào năm 2022, bắt nguồn từ những vấn đề mà nước Mỹ phải đối mặt. Cùng với sự xuất hiện của dịch đậu mùa khỉ, đại dịch Covid-19 vẫn như bóng ma quẩn quanh khắp mọi ngõ ngách đất nước, trong khi những vấn đề xã hội tồn tại bấy lâu nay như bạo lực súng đạn, tội phạm, nhập cư trái phép... vẫn chưa có lời giải. Bên cạnh đó, cuộc xung đột tại Ukraine đã đẩy giá năng lượng, hàng hóa tại nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới tăng chóng mặt, và nước Mỹ cũng không phải ngoại lệ. Bộ Lao động Mỹ cho biết, tỷ lệ lạm phát của nước này trong tháng 5 đã lên tới mức cao nhất trong vòng 40 năm qua, mức chi tiêu hàng hóa và dịch vụ của người tiêu dùng xứ cờ hoa cũng tăng tới 9,1% trong tháng sau đó. Với hai quý đầu tiên của năm 2022 tăng trưởng âm, nguy cơ suy thoái luôn rình rập với nền kinh tế số một thế giới. Áp lực lạm phát cũng khiến nhiều hộ gia đình Mỹ trải qua cảm giác từ choáng váng đến chán chường mỗi khi nhìn vào các loại hóa đơn chi tiêu, sinh hoạt hằng tháng. Để chặn đà lạm phát phi mã, trong năm 2022, Ngân hàng dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải tung ra chiến dịch tăng lãi suất được coi là mạnh nhất kể từ thập niên 1980 với tổng cộng 7 lần tăng lãi suất.
 |
Các cử tri Mỹ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Ảnh: Getty |
Những con số đáng thất vọng ấy khiến uy tín của cá nhân Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đảng Dân chủ bị suy giảm nghiêm trọng. Hơn bao giờ hết, người dân Mỹ muốn có giải pháp thực tế cho những mối lo thường nhật của họ, và vì thế đã xuất hiện ý kiến cho rằng, đã đến lúc nghĩ về cuộc bầu cử tổng thống năm 2024, nơi có thể tạo ra sự thay đổi trong dàn lãnh đạo đất nước.
Trong bối cảnh ấy, mọi sự chú ý đổ dồn vào cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào tháng 11-2022 với dự đoán về một chiến thắng áp đảo của Đảng Cộng hòa. Nhưng kịch bản ấy không diễn ra, chính xác là Đảng Cộng hòa đã không thể tạo ra một “làn sóng đỏ” trên bản đồ bầu cử trước thềm cuộc chạy đua gay cấn này. Dù Đảng Cộng hòa đã giành lại quyền kiểm soát Hạ viện, song phe dân chủ với những điểm số được ghi liên tục vào phút chót vẫn nắm thế thượng phong tại Hạ viện. Đây được coi là một thành công với cá nhân ông Joe Biden, bởi trong một quốc hội mới với cán cân không quá chênh lệch, hầu hết dự báo đều cho thấy vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ sẽ không vấp phải nhiều khó khăn trong việc thông qua các chính sách của mình trong 2 năm tới.
Sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, người ta bắt đầu đưa ra những lý giải về màn trình diễn được coi là làm hài lòng nhiều cử tri của Đảng Dân chủ nói chung và ông Joe Biden nói riêng trong xử lý các vấn đề trong nước, trong đó nổi bật nhất có lẽ là việc triển khai những biện pháp giúp nước Mỹ tạm bước qua giai đoạn khắc nghiệt của đại dịch Covid-19, từ đó tránh rơi vào kịch bản tồi tệ nhất. Những ngày cuối năm, tin tốt lại đến khi trong quý III-2022, kinh tế Mỹ đã lần đầu tăng trưởng dương trở lại ở mức 3,2%. Đà tăng giá năng lượng và tiêu dùng cũng được cho là đã qua giai đoạn đỉnh điểm, đem lại ít nhiều tâm lý phấn chấn và hy vọng với người dân Mỹ.
Dù còn hàng loạt vấn đề như hạt nhân Iran, Triều Tiên còn bỏ ngỏ, song năm qua, nước Mỹ dưới sự chèo lái của Chính quyền Tổng thống Joe Biden cũng đã thể hiện vai trò vừa dẫn dắt, vừa phối hợp với các đồng minh trong những vấn đề nóng bỏng của thế giới, có liên quan trực tiếp tới lợi ích của nước Mỹ. Vai trò này được chứng minh qua cái cách mà nước Mỹ tập hợp các đồng minh xử lý cuộc xung đột tại Ukraine, đồng thời xây dựng một “bộ công cụ” nhằm kiềm chế Trung Quốc-quốc gia đang thách thức vị thế “bá chủ toàn cầu” của Mỹ trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, quân sự, ngoại giao, công nghệ. Bên cạnh đó, Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-châu Phi được tổ chức vào giữa tháng 12 tại Washington với sự góp mặt của 49 nhà lãnh đạo châu Phi và đại diện Liên minh châu Phi cho thấy dù phải phân chia sức lực và tiềm lực cho những vấn đề nổi cộm hiện nay thì nước Mỹ vẫn không thể phớt lờ tiếng gọi lợi ích từ những địa bàn chiến lược, liên quan trực tiếp đến tầm ảnh hưởng toàn cầu của Washington.
Nhìn chung, dù chưa thể tạo ra đột phá nhưng năm 2022 đã làm thay đổi đáng kể hình ảnh của nước Mỹ thông qua một cuộc “tái kiến trúc” chớp nhoáng cả về chính sách đối nội và đối ngoại. Còn cá nhân Tổng thống Joe Biden cũng đã phần nào thực hiện được những cam kết trong giai đoạn tranh cử, đó là đưa nước Mỹ vượt qua đại dịch, duy trì tăng trưởng và bước đầu khôi phục vị thế là người “chỉ mặt, đặt tên” cho các vấn đề toàn cầu. Nếu so với năm cầm quyền đầu tiên có phần lúng túng, đây đáng được xem là cuộc bứt phá ngoạn mục trong hồ sơ chính trị của Tổng thống Joe Biden, cũng giống như năm 2020, ông từng khởi hành từ vị trí “ứng cử viên nhóm cuối” trong các cuộc tranh cử nội bộ của Đảng Dân chủ rồi cuối cùng vượt qua cựu Tổng thống Donald Trump để ngồi vào chiếc ghế quyền lực ở Nhà Trắng.
Cơn bão tuyết và băng giá tràn vào nhiều khu vực của nước Mỹ trong dịp Giáng sinh báo hiệu những thách thức mà cường quốc số một thế giới phải đối mặt trong năm mới. Những gì diễn ra trong năm 2022 cũng giúp dư luận mường tượng về cái cách mà nước Mỹ sẽ đối xử với chính mình, với các đối thủ và cả thế giới, ít nhất là trong nửa còn lại nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.
ANH VŨ