Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tham dự lễ tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố ngày 11-9 tại Lầu Năm Góc. Trước khi có bài phát biểu, ông Joe Biden đã đặt vòng hoa tại đài tưởng niệm trong khuôn viên Lầu Năm Góc nhằm tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng. Theo The Washington Post, phát biểu tại lễ tưởng niệm, ông Joe Biden đã bày tỏ lòng kính trọng đối với các nạn nhân của vụ tấn công khủng bố, đồng thời kêu gọi người dân Mỹ đoàn kết. Ông Joe Biden lưu ý, ngay cả sau khi lực lượng Mỹ rời Afghanistan, chính quyền của ông vẫn truy lùng những kẻ chịu trách nhiệm về vụ tấn công 11-9, tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố và ngăn chặn những âm mưu khủng bố. Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không nghỉ ngơi. Chúng ta sẽ không bao giờ quên. Chúng ta sẽ không bao giờ bỏ cuộc”.
 |
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại lễ tưởng niệm các nạn nhân trong vụ tấn công khủng bố ngày 11-9 ở Lầu Năm Góc. Ảnh: AP |
Trước đó, Đệ nhất phu nhân Mỹ Jill Biden đã tham dự và có bài phát biểu tại một lễ tưởng niệm ở thị trấn Shanksville, bang Pennsylvania, nơi chiếc máy bay thứ tư bị bọn khủng bố kiểm soát, đâm xuống đất. Trong khi đó, người thân của các nạn nhân trong loạt vụ tấn công khủng bố cùng cảnh sát, lính cứu hỏa và lãnh đạo TP New York cũng tham dự một hoạt động tưởng niệm tại Đài tưởng niệm quốc gia và bảo tàng 11-9. Tham dự sự kiện này còn có Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris.
Ngày 11-9-2001, cả thế giới rúng động khi nghe tin 19 đối tượng khủng bố al-Qaeda chiếm quyền điều khiển 4 máy bay chở khách cỡ lớn, rồi lần lượt cho chúng chuyển hướng, tấn công hàng loạt mục tiêu trên đất Mỹ. Hai chiếc máy bay trong số đó lần lượt đâm vào tòa tháp Bắc và Nam của khu phức hợp Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) tại thành phố New York. Chiếc máy bay thứ ba, chuyến bay 77 của American Airlines, đã đâm vào Lầu Năm Góc tại quận Arlington, bang Virginia, làm sập một phần mặt phía tây của tòa nhà. Trong khi đó, chiếc máy bay thứ tư, chuyến bay 93 của United Airlines, ban đầu được nhắm vào thủ đô Washington, nhưng đã rơi xuống một cánh đồng ở ngoại ô thị trấn Shanksville, bang Pennsylvania, sau khi các hành khách dũng cảm tìm cách khống chế nhóm không tặc. Loạt vụ tấn công trên đã làm 2.976 người thiệt mạng, hơn 6.000 người khác bị thương và gây ra thiệt hại ít nhất 10 tỷ USD về tài sản và hạ tầng cơ sở, đồng thời gây những tổn thất tổng cộng ước tính lên tới 3.000 tỷ USD. Đây là thảm họa gây thiệt hại về người lớn nhất đối với lực lượng lính cứu hỏa và hành pháp trong lịch sử nước Mỹ với 343 lính cứu hỏa và 72 sĩ quan hành pháp thiệt mạng. Thảm kịch ngày 11-9 cũng để lại vô số hệ lụy về sức khỏe, gây ra những vết thương tâm lý dai dẳng, đặc biệt đối với người dân New York.
Sự kiện 11-9 làm thay đổi toàn bộ nước Mỹ. An ninh trong nước được siết chặt từ việc thay đổi các quy định về an ninh sân bay cho tới những hoạt động bình thường của cuộc sống hằng ngày như đi lại, ra vào các tòa nhà. Chính quyền của Tổng thống Mỹ khi đó là ông George W.Bush cũng đã phát động cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố, dẫn tới việc Mỹ phát động cuộc chiến tại Afghanistan ngay trong năm 2001. Thủ lĩnh tổ chức khủng bố al-Qaeda là Osama bin Laden, kẻ chủ mưu thực hiện các vụ tấn công khủng bố ngày 11-9, đã bị quân đội Mỹ tiêu diệt khi đang ẩn náu tại Pakistan hồi năm 2011. Gần đây, Ayman al-Zawahiri, một đối tượng chủ chốt khác đứng sau các vụ tấn công 11-9, cũng đã bị xóa sổ trong chiến dịch tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ tại Afghanistan hồi cuối tháng 7 vừa qua. Với chiến dịch chống khủng bố không ngừng được gia tăng về mức độ và quy mô, Mỹ đã góp phần đáng kể vào việc ngăn chặn đà lớn mạnh của chủ nghĩa khủng bố trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh gia tăng đáng kể mối đe dọa bạo lực từ những kẻ cực đoan trong nước cũng như nước ngoài, nước Mỹ vẫn chưa hết nỗi lo khủng bố sau 21 năm kể từ sự kiện 11-9. Theo giới quan sát, thách thức đối với giới chức Mỹ là phải xây dựng năng lực chống khủng bố linh hoạt cả bên trong lẫn bên ngoài để ứng phó trước một loạt mối đe dọa.
LÂM ANH