Chiến thắng của bà Sheinbaum không nằm ngoài dự đoán của giới quan sát khi chính trị gia này nhận được sự ủng hộ cao trong tất cả cuộc thăm dò dư luận trước đó. Theo CNN, Tổng thống Mexico sắp mãn nhiệm Andres Manuel Lopez Obrador nhận định việc bà Sheinbaum, đồng minh thân cận của ông, được bầu làm nữ tổng thống đầu tiên của Mexico là sự kiện mang tính lịch sử của quốc gia Mỹ Latin này. Trước đám đông người ủng hộ tại Quảng trường Zócalo ở Mexico City, bà Sheinbaum khẳng định, chính quyền của bà sẽ điều hành đất nước, quan tâm tới lợi ích của người dân Mexico mà “không có sự phân biệt” trong nhiệm kỳ 2024-2030. Bà Sheinbaum lưu ý: “Mặc dù nhiều người Mexico không hoàn toàn đồng ý với dự án của chúng tôi song chúng ta vẫn cần bước đi trong hòa bình và hòa hợp để tiếp tục xây dựng một Mexico công bằng và thịnh vượng hơn”.

leftcenterrightdel

Bà Claudia Sheinbaum chào những người ủng hộ tại Quảng trường Zócalo ở Mexico City. Ảnh: Reuters 

Theo Al Jazeera, bà Sheinbaum sinh năm 1962, trong một gia đình gốc Do Thái. Bà học vật lý và kỹ thuật năng lượng, sau đó tiếp tục học lên tiến sĩ tại Đại học California (Mỹ). Trước khi đi theo con đường chính trị, bà Sheinbaum là nhà khoa học môi trường. Bà là đồng tác giả trong báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) từng đoạt giải Nobel năm 2007. Quá trình chuyển đổi sang sự nghiệp chính trị của bà diễn ra dưới sự ủng hộ của ông Obrador. Trong nhiều năm, bà làm đại diện cho ông Obrador tại các cuộc vận động chính trị. Năm 2018, bà Sheinbaum trở thành người phụ nữ đầu tiên được bầu làm Thị trưởng Mexico City, vị trí thường được xem là bệ phóng cho các cuộc tranh cử tổng thống. Bà đã điều hành Mexico City trong 5 năm cho đến khi từ chức vào tháng 6 năm ngoái để tranh cử tổng thống. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, bà Sheinbaum thể hiện khả năng quản lý tốt, đặc biệt là trong lĩnh vực an ninh. 

Theo AFP, sau khi nhậm chức vào tháng 10 tới, bà Sheinbaum sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức to lớn, bao gồm quản lý vấn đề di cư, mối quan hệ với Mỹ và tình trạng bạo lực băng đảng khiến các vụ giết người và bắt cóc xảy ra hằng ngày. Những nhiệm vụ cấp bách khác bao gồm điều chỉnh thâm hụt ngân sách, giảm tỷ lệ nghèo đói và giảm tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu ở một quốc gia đang phải hứng chịu tình trạng hạn hán và thiếu nước.

Giải quyết tình trạng bạo lực băng đảng được coi là nhiệm vụ nặng nề đối với chính quyền mới của Mexico. Bất chấp nỗ lực giải quyết tình trạng bạo lực của chính quyền Tổng thống Obrador, vẫn có khoảng 80 người bị sát hại mỗi ngày ở Mexico, trong đó có khoảng 10 phụ nữ và trẻ em gái. Bà Sheinbaum cam kết sẽ tập trung vào những nguyên nhân gây ra bạo lực, chẳng hạn như mở rộng các chương trình giáo dục dành cho thanh, thiếu niên, tăng cường lực lượng vệ binh quốc gia cũng như tình báo, đồng thời cải thiện sự phối hợp với cảnh sát và công tố viên. Ông Michael Shifter, chuyên gia tại Tổ chức nghiên cứu Đối thoại liên Mỹ ở Washington cho biết: “Sự gia tăng hoạt động của các băng đảng là vấn đề khó khăn nhất mà bà Sheinbaum sẽ phải đối mặt. Nếu bà Sheinbaum không thể cải thiện tình hình an ninh vốn đang ngày càng xấu đi thì việc theo đuổi các chính sách kinh tế-xã hội sẽ cực kỳ khó khăn”. Về phần mình, ông Victor Ceja, nhà kinh tế trưởng của Công ty Dịch vụ tài chính Valmex cho rằng, một nhiệm vụ không kém phần quan trọng đối với bà Sheinbaum là điều chỉnh mức thâm hụt ngân sách của Mexico. Trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ, ông Obrador, người đưa ra cam kết thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng", đã tăng mạnh chi tiêu để hoàn thành các dự án hạ tầng cơ sở và mở rộng các chương trình phúc lợi. Do đó, thâm hụt ngân sách của Mexico hiện ở mức gần 6% tổng sản phẩm quốc nội. Đây là mức thâm hụt lớn nhất trong 1/4 thế kỷ.  

Liên quan đến vấn đề di cư và quan hệ với Mỹ, Washington đang hối thúc Mexico phải làm nhiều hơn để hạn chế dòng chảy ma túy và người di cư qua biên giới. Tình trạng bạo lực đã khiến hàng nghìn người Mexico phải xin tị nạn ở Mỹ. Năm ngoái, khoảng 1/3 trong số gần 2,5 triệu người di cư bị chặn ở biên giới phía Nam nước Mỹ là người Mexico. Mối quan hệ Mexico-Mỹ có thể sẽ gặp nhiều thách thức hơn nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử vào tháng 11. Chuyên gia Michael Shifter nhận định: “Nếu trở lại Nhà Trắng, ông Donald Trump dự kiến sẽ đưa ra phản ứng cứng rắn hơn về nhập cư, thương mại và ma túy, những vấn đề rất quan trọng đối với mối quan hệ song phương”.

LÂM ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.