Ông Tô-cư-ô Hay-a-ca-oa (Tokuo Hayakawa), 76 tuổi, là một trong số ít người dân quay lại Na-ra-ha, thị trấn đầu tiên ở tỉnh Phư-cư-si-ma mở cửa trở lại sau thảm họa động đất, sóng thần năm 2011. Thị trấn Na-ra-hamới chỉ mở lại cách đây 5 tháng và số lượng người dân trở lại rất ít, chỉ khoảng 440 người trong tổng số hơn 8.000 người dân ở thị trấn này trở về quê hương. Điều đáng nói là 70% trong số đó đều đã hơn 60 tuổi và chỉ có 12 người ở độ tuổi dưới 30 trở lại đây vì lo ngại vấn đề ô nhiễm phóng xạ.
Trong khi đó, người dân nơi đây tin tưởng rằng tương lai của Na-ra-ha giờ được trông đợi ở thế hệ trẻ. Cơ quan Tái thiết Nhật Bản cũng kỳ vọng việc tái thiết Na-ra-ha, thị trấn nằm ở rìa khu vực sơ tán quanh Nhà máy Điện hạt nhân Phư-cư-si-ma, sẽ là một hình mẫu để người dân quay trở về các thị trấn khác sau thảm họa. Tuy nhiên, ở thị trấn đầu tiên được mở cửa trở lại sau thảm họa, triển vọng hồi sinh vẫn còn mờ mịt. Sự thật là sau 5 năm xảy ra thảm họa, cũng như ở Na-ra-ha, người dân ở nhiều nơi tại tỉnh Phư-cư-si-ma vẫn đang phải vật lộn để khắc phục rất nhiều vấn đề về môi trường, xã hội và kinh tế. Theo con số thống kê, trong số 43 thành phố, thị trấn, làng tại tỉnh Phư-cư-si-ma, chỉ có 14 nơi được cho là hoàn toàn sạch ô nhiễm. Bộ Môi trường Nhật Bản cũng cho biết, công tác xử lý ô nhiễm như việc làm sạch chất nhiễm xạ vẫn đang diễn ra tại một phần ba số thành phố bị ảnh hưởng bởi thảm họa ở Phư-cư-si-ma.
Sau 5 năm, người dân Nhật Bản ở những vùng bị ảnh hưởng bởi thảm họa vẫn phải sống trong các khu nhà tạm. Ảnh: CNA
Một khảo sát do chính quyền tỉnh Phư-cư-si-ma thực hiện gần đây cho biết, 5 năm sau thảm họa kép động đất, sóng thần kéo theo cuộc khủng hoảng hạt nhân ở Phư-cư-si-ma, vẫn có tổng cộng 10.557 trẻ em đang lưu trú bên ngoài tỉnh này. Điều này khiến tỉnh Phư-cư-si-ma phải đối mặt với sức ép kinh tế do thiếu lực lượng lao động. Mặc dù chính quyền địa phương cũng như chính phủ trung ương đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm khuyến khích giới trẻ trở về quê hương, bao gồm chăm sóc sức khỏe miễn phí cho trẻ em, hỗ trợ chi phí hồi hương... nhưng tình hình vẫn không có cải thiện rõ rệt. Hầu hết các gia đình có trẻ em đều từ chối trở về quê hương do lo ngại vấn đề ô nhiễm phóng xạ.
Tỷ lệ sinh cũng giảm mạnh sau thảm họa ở Phư-cư-si-ma và các vùng lân cận bị ảnh hưởng. Tại 12 thành phố thuộc các tỉnh: Phư-cư-si-ma, Mi-y-a-ghi và I-oa-tê, dân số giảm hơn 10% sau thảm họa và một nửa số thành phố này chứng kiến mức giảm tới hơn 20%.
Bất chấp các nỗ lực tái thiết, cuộc sống của người dân ở các vùng bị ảnh hưởng vẫn rất khó khăn. Theo con số thống kê mới nhất của Cơ quan Tái thiết và Chính phủ Nhật Bản, hơn 3.400 người sống sót sau thảm họa năm 2011 đã qua đời vì những vấn đề sức khỏe liên quan đến thảm họa này. 58% trong số các nạn nhân này ở tỉnh Phư-cư-si-ma. Tính đến ngày 12-2 vừa qua, 174.471 người vẫn đang phải sống trong những ngôi nhà tạm hoặc phải đi ở nhờ nhà người thân. Tổng cộng 43.139 người dân tỉnh Phư-cư-si-ma vẫn đang sống ở ngoài tỉnh này.
Theo kết quả thăm dò do hãng tin Kyodo công bố mới đây, có 42% người được hỏi cho biết điều kiện sống của họ hầu như không được cải thiện, 37% cho biết tình hình đã xấu đi đáng kể, trong khi 11% nói rằng họ đang phải vật lộn để sống. Các số liệu cho thấy 37% người dân bị giảm thu nhập, 22% hoàn toàn không có thu nhập gì, trong khi các sức ép chi tiêu hộ gia đình như ăn uống, đi lại và những vật dụng thiết yếu ngày càng tăng tại các khu vực bị ảnh hưởng.
Hiện tại, việc khắc phục hậu quả tại Nhà máy Điện hạt nhân Phư-cư-si-ma số 1 vẫn chỉ ở những bước đầu và ước tính sẽ phải mất khoảng 30-40 năm để hoàn tất khối lượng công việc vẫn còn rất ngổn ngang. Trong khi đó, sau 5 năm, nhiều chuyên gia hạt nhân vẫn cảnh báo khả năng tiếp tục xảy ra sự cố rò rỉ phóng xạ nguy hiểm và nguồn nước sẽ bị nhiễm xạ. Sau thảm họa năm 2011, khoảng 80% nguyên liệu phóng xạ từ nhà máy này đã bị tràn ra biển và không ai biết mức độ nhiễm xạ nguồn nước tại đây là bao nhiêu. Vì vậy, nhiều nhà khoa học cho rằng, những ảnh hưởng của thảm họa này sẽ còn kéo dài thêm khoảng 40 năm nữa.
XUÂN PHONG