Mới đây, người phát ngôn của Liên hợp quốc về vấn đề nhân quyền, bà Ra-vi-na Sam-đa-xa-ni (Ravina Shamdasani) cho biết, vào sáng sớm một ngày cuối tháng 10 vừa qua, IS đã chở khoảng 25 nghìn dân thường từ thị trấn Ham-mam An A-lin, phía Nam Mô-xun trên những chiếc xe tải và xe buýt loại nhỏ để làm “lá chắn sống” nhằm bảo vệ các cứ địa của chúng ở Mô-xun. Phần lớn các xe tải đã phải quay trở lại do sức ép của các máy bay tuần tra, nhưng một số xe buýt đã tới A-bu Xếp, cách thị trấn Ham-mam An A-lin 15km về phía Bắc.
Nhiều trẻ em I-rắc bị IS biến thành “lá chắn sống” ở Mô-xun. Ảnh: Getty Images
Theo AP, một nạn nhân may mắn chạy trốn được khỏi IS có tên A-mét Bi-lan Ha-rít (Ahmed Bilal Harish) kể rằng, IS đã chĩa súng vào người dân, bắt tất cả ra khỏi nhà và nói sẽ đưa tất cả về Mô-xun với họ. Các tay súng đe dọa “nếu không đi với họ thì tất cả là những người không đáng tin”. Gia đình của ông Ha-rít nhân lúc một vụ không kích khiến các tay súng IS bị phân tán đã may mắn chạy thoát. Khi đó, chúng đang dồn người dân từ thị trấn Su-ra đến Mô-xun trên quãng đường dài khoảng 40km. Ông cho biết: “Chúng tôi có hai lựa chọn, một là có thể bị giết bởi IS, hai là chết trên đường đi, nên chúng tôi đã quyết định chạy trốn”. Gia đình ông giờ đang phải tạm lánh nạn tại một khu trại do chính phủ I-rắc kiểm soát.
Những người khác ở khu vực Su-ra cho biết, IS chỉ cho mọi người vài phút để rời đi và nói rằng, bất kỳ ai chậm trễ đều sẽ bị trừng phạt. Có một gia đình bị bắt phải rời đi khi cả nhà đang dở bữa ăn và ít nhất, một người bị chết trên đường vì lên cơn đau tim.
IS đã cưỡng ép bắt đi khoảng 8.000 gia đình ở các vùng quanh Mô-xun. Chúng lùng sục từng ngôi nhà, tập trung người dân và bắt họ phải đi bộ nhiều ki-lô-mét để vào Mô-xun làm “lá chắn sống” khi các lực lượng chính phủ I-rắc được sự yểm trợ của không quân Mỹ đang ngày càng tiến gần nơi các tay súng IS cố thủ ở Mô-xun. Cảnh hỗn loạn đã xảy ra khi nhiều người dân I-rắc bị buộc phải rời khỏi nhà mà không kịp chuẩn bị đồ đạc hay tư trang để mang theo người.
Có nhiều tin tức cho biết, trong quá trình IS dồn dân làm “lá chắn sống” ở Mô-xun, hơn 200 người đã bị lực lượng này sát hại dã man vì không tuân thủ các mệnh lệnh của IS. Tổ chức cực đoan này đã giết chết những người mà chúng cho là có thái độ chống đối và loại bỏ những ai có khả năng nổi dậy chống lại chúng như những người từng qua huấn luyện quân sự hay từng có liên hệ với các lực lượng an ninh. Theo người phát ngôn Liên hợp quốc, các tay súng IS tách riêng phụ nữ, trẻ em và những cựu thành viên của lực lượng an ninh I-rắc thành hai nhóm tiến về Mô-xun. Chúng đã sát hại 190 người thuộc lực lượng an ninh I-rắc trước đây tại căn cứ quân sự Ga-dơ-la-ni, phía Nam Mô-xun. 42 dân thường khác cũng bị IS giết chết tại một căn cứ khác vì từ chối tham gia IS. Nhiều thi thể nạn nhân bị các tay súng IS thủ tiêu tại sông Ti-grít. Các lực lượng I-rắc cũng phát hiện thi thể của 70 người dân đã bị bắn chết tại một ngôi làng phía Nam Mô-xun. Trong khi nhiều khả năng, 50 cựu cảnh sát I-rắc bị giam giữ trong một tòa nhà gần Mô-xun đã bị IS thủ tiêu.
Cho đến nay, khi chiến dịch tái chiếm Mô-xun từ tay IS của quân đội chính phủ I-rắc kéo dài được hơn 2 tuần, khó có thể trông đợi vào khả năng IS sẽ dễ dàng bị khuất phục ở Mô-xun. Trận chiến ở Mô-xun được dự báo là sẽ khó khăn và kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Vì thế, đối với những người I-rắc đang sống trong sự kiểm soát của IS ở thành phố này và các vùng lân cận, mọi sự lựa chọn giờ đây đều rất nan giải. Họ có thể bỏ trốn nhưng sẽ bị IS gắn cho cái “mác” không mấy dễ chịu đối với những người Hồi giáo, đó là “những kẻ bội giáo” và phải bị trừng phạt bằng cái chết. Hoặc họ có thể được xem là những người có cảm tình với IS ở một nơi ở mới và có nguy cơ trở thành nạn nhân của sự trả thù. Cũng có khả năng, họ sẽ chịu đựng được và sống sót ngay cả trong cuộc chiến khốc liệt. Nhưng nguy hiểm nhất vẫn là họ bị buộc phải trở thành những “lá chắn sống” trong trận chiến ác liệt ở Mô-xun. Khi đó viễn cảnh đều rất tồi tệ như nhau, bị giết bởi IS hoặc bị giết bởi các cuộc tấn công để đánh bại IS.
Ngay từ đầu, khi chiến dịch quân sự trên bộ lớn nhất được tiến hành ở I-rắc kể từ năm 2003, giới quan sát đã lo ngại khả năng dân thường vô tội sẽ hứng chịu những hậu quả thảm khốc. Sử dụng “lá chắn sống” là một lựa chọn đầy toan tính của IS không chỉ nhằm tránh bị tấn công mà còn để đổ lỗi cho đối phương về thương vong của dân thường. Trong suốt trận chiến cố thủ ở Pha-lu-gia hồi tháng 5, IS đã cưỡng bức nhiều dân thường I-rắc bị mắc kẹt ở thành phố này phải di chuyển cùng để làm “lá chắn sống”. Hành động tội ác của IS bị cáo buộc là hành động vi phạm luật nhân đạo quốc tế được quy định trong Công ước Giơ-ne-vơ.
MAI NGUYÊN