Báo cáo do Cục Điều tra dân số Mỹ công bố hồi giữa tuần này cho thấy, chỉ trong 10 tháng năm 2021, các công ty Mỹ đã mua số đạn trị giá 157,9 triệu USD của Nga. Hãng tin RT cho biết thêm, các công ty của Mỹ đã nhập khẩu hơn 7.700 tấn đạn của Nga từ tháng 1 đến tháng 10-2021, con số cao kỷ lục kể từ năm 1991.

Theo số liệu từ Liên hợp quốc, hơn 94% số đạn dành cho xuất khẩu của Nga được xuất sang Mỹ và chỉ một lượng nhỏ được dành cho EU và một số quốc gia khác.

Điều khiến giới phân tích quân sự bất ngờ là hoạt động thương mại vũ khí giữa Nga và Mỹ vẫn diễn ra mạnh mẽ, bất chấp các biện pháp trừng phạt của Washington nhằm vào các nhà sản xuất vũ khí của Moscow. Gần đây nhất, tháng 8-2021, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố đợt trừng phạt thứ hai đối với Nga, bao gồm các hạn chế nhập khẩu đối với vũ khí và đạn dược được sản xuất tại Nga.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP 

Không khó để đi tìm nguyên nhân dẫn tới nghịch lý này. Số là, các lệnh trừng phạt của Mỹ chỉ thực sự có hiệu lực sau hai năm kể từ ngày công bố. Và theo nhật báo kinh doanh RBK, các nhà nhập khẩu đạn của Mỹ đã lợi dụng “lỗ hổng” này để có được giấy phép mua đạn trong khoảng thời gian hai năm đó. Nói cách khác, những doanh nghiệp Mỹ sở hữu giấy phép có thể tiếp tục nhập đạn từ Nga cho đến mùa thu năm 2023. Giấy phép này được quản lý bởi Cục Quản lý rượu, thuốc lá, súng và chất nổ (ATF) trực thuộc Bộ Tư pháp Mỹ.

Được biết, các đối tác Mỹ của Nhà máy sản xuất đạn Tula, một trong những nhà sản xuất đạn lớn nhất của Nga, hiện đang sở hữu loại giấy phép này. Jürgen Brauer, nhà kinh tế học thuộc SAAF, công ty chuyên phân tích và dự báo thị trường mua bán vũ khí ở Mỹ, xác nhận rằng nhiều công ty của Mỹ vẫn có thể nhập khẩu đạn từ Nga trong khoảng thời gian hai năm tính từ khi lệnh trừng phạt được công bố đến khi chính thức có hiệu lực.

Một số nguồn tin cũng nhận định sở dĩ Nga tiếp tục xuất khẩu một lượng lớn đạn sang Mỹ là do gần đây, thị trường Mỹ ngày càng có nhu cầu lớn hơn về đạn. Nếu so với 2-3 năm trước đây thì số đạn dành cho các loại súng dân sự cỡ nhỏ được xuất khẩu từ Nga sang Mỹ tăng gần gấp 3 lần.

Lại có nguồn tin cho rằng, các loại đạn của Nga được ưa chuộng tại Mỹ trước hết bởi chúng có giá thành thấp. Bên cạnh đó, ngay cả trong giai đoạn đại dịch Covid-19, hoạt động buôn bán vũ khí tại Mỹ vẫn tăng mạnh, dẫn đến sự thiếu hụt về đạn trên thị trường này.

Chính vì vậy, Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ (NRA) từng phàn nàn các lệnh trừng phạt mà Washington đưa ra sẽ gây tổn hại nhiều đến các doanh nghiệp Mỹ hơn là Nga. "Xuất khẩu đạn dược sang Mỹ chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong GDP của Nga. Thế nhưng phần lớn nguồn cung cấp đạn dược cho Mỹ lại có xuất xứ từ Nga", NRA giải thích.

Nói gì thì nói, trước mắt vẫn là khoảng thời gian kéo dài hai năm các nhà nhập khẩu đạn ở Mỹ và các nhà xuất khẩu của Nga được hưởng lợi từ “nghịch lý” đã đề cập ở trên. Nhưng sau khi lệnh trừng phạt mà Mỹ áp đặt đối với Nga chính thức có hiệu lực, công việc làm ăn của họ sẽ gặp rắc rối lớn.

ANH VŨ