Theo AFP, trong một thông điệp đăng tải trên mạng xã hội Twitter ngày 3-8, Tổng thống Đô-nan Trăm cho rằng quan hệ giữa Mỹ với Nga đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay và “rất nguy hiểm”, đồng thời đổ lỗi cho Quốc hội Mỹ vì đã để tình hình diễn biến như hiện tại. Ông viết: "Quan hệ giữa chúng ta và Nga đang ở mức thấp nhất từ trước đến nay và rất nguy hiểm. Các bạn có thể cảm ơn Quốc hội, những người đã không thể mang lại cho chúng ta dự luật cải cách y tế".
Bình luận nói trên của ông Đô-nan Trăm được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông ký ban hành luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào một số nước, trong đó có Nga. Mặc dù ủng hộ các biện pháp cứng rắn để trừng phạt và răn đe Nga, I-ran và Triều Tiên, song Tổng thống Đô-nan Trăm cho rằng, các lệnh trừng phạt này là "sai lầm đáng kể". Trước đó, bất chấp sự phản đối của ông Đô-nan Trăm, cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật trừng phạt nói trên. Đây được xem là dự luật về chính sách đối ngoại lớn đầu tiên được Quốc hội Mỹ phê chuẩn dưới thời Tổng thống Đô-nan Trăm.
Ông Vla-đi-mia Pu-tin và ông Đô-nan Trăm gặp nhau bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức hồi tháng 7-2017. Ảnh: CNN
Luật mới cũng nêu rõ, mọi quyết định nới lỏng hoặc dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga của Tổng thống Mỹ sẽ cần phải có sự thông qua của Quốc hội nước này.
Động thái nói trên tất nhiên đã dẫn tới phản ứng mạnh mẽ từ phía Nga. Thủ tướng Nga Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép (Dmitry Medvedev) cho rằng, các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ là "phi lý" và đồng nghĩa với việc Oa-sinh-tơn tuyên bố chiến tranh thương mại toàn diện với Mát-xcơ-va, đồng thời “đặt dấu chấm hết” cho hy vọng cải thiện quan hệ song phương giữa hai nước dưới thời Tổng thống Đô-nan Trăm. Ngoài ra, ông Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép cũng nhận định rằng, việc ông Đô-nan Trăm ký ban hành luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới cho thấy người đứng đầu Nhà Trắng đang “bất lực hoàn toàn” khi chuyển giao quyền hành pháp cho Quốc hội. Tuy nhiên, Thủ tướng Đmi-tơ-ri Mét-vê-đép nhấn mạnh, nước Nga sẽ bình tĩnh tiếp tục phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời tìm kiếm giải pháp thay thế nhập khẩu và giải quyết những nhiệm vụ quan trọng nhất của đất nước.
Để đáp trả, Mát-xcơ-va sau đó đã yêu cầu Oa-sinh-tơn cắt giảm số nhân viên các cơ quan ngoại giao và lãnh sự của Mỹ tại Nga từ ngày 1-9 tới xuống còn 455 người. Nga cũng thông báo tạm dừng cho phép Đại sứ quán Mỹ ở Nga sử dụng biệt thự ở khu Serebryannyi Bor cũng như một số khu nhà khác ở thủ đô Mát-xcơ-va từ ngày 1-8.
Theo hãng tin Sputnik, nhiều nhà phân tích cho rằng, mặc dù hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ở Mỹ gây sức ép buộc Tổng thống Đô-nan Trăm phê chuẩn các biện pháp trừng phạt Nga, nhưng trên thực tế, ông Đô-nan Trăm không để ý đến những lời kêu gọi về một quan điểm đối đầu cứng rắn hơn với Mát-xcơ-va. Trái lại, ông thậm chí sẽ tiếp tục tìm cách nhanh chóng hàn gắn mối quan hệ với Nga. Giáo sư Phrăng-xít Bắc-lây (Francis Buckley) thuộc Trường Đại học George Mason nhận định rằng, ông Đô-nan Trăm đã phải nhượng bộ trước sức ép chính trị quá lớn trong việc phê chuẩn dự luật về các biện pháp trừng phạt Nga. Trong khi đó, Giáo sư Mai-cơn Bren-nơ (Michael Brenner) đến từ Trường Đại học Pittsburgh cho rằng, quyết định vừa qua cho thấy Tổng thống Đô-nan Trăm đã thực sự chấp nhận rằng ông không có toàn quyền trong việc cải thiện quan hệ với Nga.
Reuters dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết, trong cuộc điện đàm ngày 3-8, Ngoại trưởng Nga Xéc-gây La-vơ-rốp (Sergei Lavrov) và người đồng cấp Mỹ Rếch Ti-lơ-xơn (Rex Tillerson) nhất trí sẽ thảo luận về tình trạng hiện nay của mối quan hệ giữa Mát-xcơ-va và Oa-sinh-tơn khi hai quan chức này gặp nhau tại một diễn đàn tổ chức ở thủ đô Ma-ni-la của Phi-líp-pin trong vài ngày tới.
ANH VŨ