Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Putin cảm ơn quan điểm cân bằng của phía Trung Quốc trong vấn đề Ukraine: “Chúng tôi đánh giá cao lập trường cân bằng của những người bạn Trung Quốc liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine... Những nỗ lực tạo ra một thế giới đơn cực gần đây đã mang một hình dạng xấu xí và hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với đại đa số các quốc gia trên hành tinh”, Hãng thông tấn Izvestia dẫn lời Tổng thống Nga. Ông Putin cũng không quên lưu ý rằng thế giới đang trải qua nhiều biến động nhưng “điều duy nhất không thay đổi là tình hữu nghị và sự tin cậy lẫn nhau giữa Nga và Trung Quốc”, rằng “mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Nga-Trung Quốc luôn bền vững”.

Về phía mình, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh sẵn sàng làm việc với Moscow để mở rộng sự ủng hộ mạnh mẽ lẫn nhau về các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi. Trung Quốc và Nga đã duy trì liên lạc chiến lược hiệu quả ngay cả trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Hai nước đã có sự phối hợp chặt chẽ trên trường quốc tế để “duy trì các chuẩn mực cơ bản trong quan hệ quốc tế”. “Trước những thay đổi của thế giới, của thời đại và của lịch sử, Trung Quốc sẽ cùng Nga hoàn thành trách nhiệm với tư cách là nước lớn và đóng vai trò hàng đầu trong việc đưa sự ổn định vào một thế giới luôn đổi thay và hỗn loạn”, Tân Hoa xã dẫn tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh và Moscow sẽ làm sâu sắc hơn hợp tác thiết thực trong thương mại, nông nghiệp, kết nối và các lĩnh vực khác. Hai bên cũng sẽ tăng cường phối hợp trong các khuôn khổ đa phương bao gồm SCO, Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS), Hội nghị về Phối hợp hành động và Các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA), nhằm thúc đẩy đoàn kết và tin cậy lẫn nhau, bảo vệ lợi ích an ninh khu vực.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Samarkand (Uzbekistan), ngày 15-9. Ảnh: Tân Hoa xã 

Trong cuộc trò chuyện, Tổng thống Putin cũng lên án các hành động khiêu khích của Mỹ ở eo biển Đài Loan và khẳng định Nga tuyệt đối tuân thủ nguyên tắc “một Trung Quốc”. Đáp lại, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố không quốc gia nào có thể đóng vai trò quan tòa trong vấn đề Đài Loan, đồng thời khẳng định Trung Quốc “sẽ không dung thứ cho bất cứ ai can thiệp vào công việc nội bộ” của nước này.

Hợp tác kinh tế song phương cũng là một nội dung quan trọng trong chương trình nghị sự giữa hai bên. Số liệu thống kê cho thấy, tăng trưởng thương mại Nga-Trung Quốc năm 2021 đã lên tới 140 tỷ USD. Con số này được kỳ vọng sẽ tăng lên 200 tỷ USD trong thời gian tới. “Năm ngoái, kim ngạch thương mại tăng 35% và vượt 140 tỷ USD, trong 7 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại song phương đã tăng thêm 25%. Tôi tin rằng đến cuối năm chúng ta sẽ đạt được kỷ lục mới và sắp tới, theo thỏa thuận, chúng ta sẽ nâng kim ngạch thương mại hằng năm lên 200 tỷ USD hoặc hơn nữa”, Tổng thống Putin cho hay.

Ngay sau cuộc hội đàm giữa Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình, phát biểu trước giới truyền thông trong nước, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak cho hay Nga sẽ cung cấp khí đốt cho Trung Quốc qua đường ống khí đốt Sức mạnh Siberia 2, thay vì vận hành đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 tới châu Âu vốn bị “khai tử” kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Theo đó, mỗi năm Nga sẽ cung cấp cho Trung Quốc 50 tỷ mét khối khí qua đường ống Sức mạnh Siberia 2-con số gần như ngang bằng công suất tối đa của Dòng chảy phương Bắc 1 (55 tỷ mét khối) đã ngừng hoạt động kể từ hôm 2-9.

Trong một diễn biến có liên quan, cùng ngày, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã có cuộc họp chung với Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh. Tại cuộc họp này, Tổng thống Putin kêu gọi Trung Quốc và Mông Cổ chuyển sang các hệ thống thanh toán quốc gia như của Ngân hàng Trung ương Nga và hệ thống thanh toán xuyên biên giới của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo đã nhất trí phát triển hơn nữa hành lang kinh tế Nga-Mông Cổ-Trung Quốc và gia hạn dự án này thêm 5 năm. Tổng thống Mông Cổ cũng cam kết ủng hộ việc xây dựng đường ống Sức mạnh Siberia 2 dẫn khí đốt từ Nga sang Trung Quốc qua một phần lãnh thổ nước này.

PHƯƠNG THẢO